Đào 7 tấn vàng mang đi, khối nợ 400 tỷ để lại
Trong 10 năm, hai đại gia vàng Bồng Miêu và Phước Sơn đã khai thác hơn 7 tấn vàng, thu về hàng trăm triệu USD. Điều đáng nói là đến nay, cả hai đại gia đều chây ì với khoản nợ đọng thuế kéo dài nhiều năm, lên đến 410 tỷ đồng.
Đào được hơn 7 tấn vàng ròng
Thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm này, hai công ty được cấp phép khai thác 2 mỏ vàng lớn nhất nước là Bồng Miêu (Phú Ninh) và Đắk Sa (Phước Sơn) đã khai thác được hơn 7 tấn vàng thành phẩm cùng hàng chục tấn kim loại quý khác, thu về hàng trăm triệu USD.
“Hơn 7 tấn vàng là dựa trên báo cáo về trữ lượng khai thác hàng năm của hai công ty, còn thực tế họ khai thác được bao nhiêu tấn vẫn là bí mật không công bố suốt nhiều năm qua”, một cán bộ lãnh đạo ngành thuế Quảng Nam cho biết.
Bởi, sản lượng vàng khai thác hàng năm được căn cứ trên hóa đơn xuất bán để cơ quan chức năng làm căn cứ tính thuế và đó là bí mật của doanh nghiệp.
Nhưng điều mà mọi người ít biết là Tập đoàn Besra (Úc) mới chính là công ty mẹ của Bồng Miêu và Phước Sơn, với 2 giấy phép tiêu thụ vàng. Sản lượng vàng khai thác từ mỏ Bồng Miêu được phép tiêu thụ trong nước, còn vàng khai thác từ mỏ Đắk Sa được xuất bán ra nước ngoài.
Mới đây, trong một lần kiểm tra tình hình tiêu thụ vàng thành phẩm tại mỏ vàng Bồng Miêu, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện hóa đơn được cho là xuất “khống” của doanh nghiệp kinh doanh vàng N.T. ở TP. Tam Kỳ cho Công ty khai thác vàng Bồng Miêu lên đến hơn 100 tỷ đồng. Vụ việc đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Báo cáo về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Quảng Nam cho thấy, trên địa bàn tỉnh có khoảng 45 loại khoáng sản. Trong đó, vàng có 2 mỏ lớn đang được khai thác là Bồng Miêu (trữ lượng 12,4 tấn), Đăk Sa (trữ lượng 7,2 tấn). Ngoài mỏ vàng Bồng Miêu đã hết hạn giấy phép khai thác vào ngày 5/3/2016, trên địa bàn còn có 10 công ty đang tổ chức khai thác vàng chủ yếu tập trung tại các huyện miền núi như Phước Sơn, Hiệp Đức và Tiên Phước.
Vàng đã xuất đi, nợ khủng để lại
Nguồn thu lớn lên tới hàng trăm triệu đô, nhưng đến nay, 2 công ty khai thác vàng lớn nhất nước là Bồng Miêu và Đắk Sa đã nợ thuế các loại lên đến hơn 410 tỷ đồng, khiến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đau đầu tính kế thu hồi, song đến nay vẫn là khoản nợ khó đòi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn trong một lần trả lời PV VietNamNet khẳng định: Cơ quan chức năng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết, nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi được khoản nợ thuế của hai công ty này.
Ông Toàn cho biết, Cục Thuế Quảng Nam đã 2 lần cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (lần đầu tiên vào năm 2014 và lần mới nhất vào đầu tháng 3/2016). Mới đây, Công ty vàng Bồng Miêu xin xuất hóa đơn riêng lẻ cho mỗi lần bán sản phẩm (vàng), nhưng Cục Thuế Quảng Nam từ chối.
Phó cục Thuế tỉnh Lê Mai Khắc Hưng nói thêm: Ngoài công ty vàng Bồng Miêu, quá trình thu thập thông tin về tài sản của Công ty khai thác vàng Phước Sơn theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam cho thấy, toàn bộ tài sản đã thế chấp tại các ngân hàng nên phương án cưỡng chế thu hồi nợ thuế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên rất phức tạp, khó thực hiện.
Việc nợ thuế không phải đợi đến khi có báo cáo thua lỗ của 2 công ty này, mà ngay từ năm 2010, khi công ty vẫn thu lãi hàng triệu USD mỗi năm mà không chịu nộp nợ thuế. Đến nay, con số này đã lên đến hơn 410 tỷ đồng.
Theo ước tính, đến giữa năm 2014, Công ty vàng Bồng Miêu đã bị lỗ lũy kế đến 30,1 triệu USD (tương đương khoảng 673 tỉ đồng) trong khi vốn điều lệ chỉ có 3 triệu USD. Còn Công ty vàng Phước Sơn cũng có mức lỗ lũy kế gần 16 triệu USD (tương đương gần 360 tỉ đồng) trong khi vốn điều lệ là 5 triệu USD. Như vậy tổng lỗ lũy kế tính đến giữa năm 2014 của 2 công ty này đã lên đến hơn 1.000 tỉ đồng.
Nợ chồng nợ, giấy phép khai thác tại mỏ vàng Bồng Miêu hết hạn (Sở KH-ĐT Quảng Nam đã không đồng ý gia hạn) đồng nghĩa mỏ vàng phải ngừng hoạt động. Nhưng khoản nợ thuế khủng 5 năm qua vẫn còn đó.
Mới đây nhất, ngày 8/7, UBND tỉnh đã họp kín để xử lý nợ 2 công ty khai thác vàng lớn nhất nước cũng như xác định lại số nợ và việc có chấp thuận chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng Việt Á đưa ra hay không. Hiện ngân hàng này đang có chứng thư bảo lãnh số nợ 334 tỷ đồng của Công ty Vàng Phước Sơn. Đây là động thái để giúp Phước Sơn đi vào hoạt động đầu tháng 8/2016, với kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao trong bối cảnh giá vàng biến động tăng; đồng thời, có cơ hội để thu hồi khoản nợ.
Theo Vũ Trung
Vietnamnet