Đánh thuế nước giải khát không còn là xu hướng tại châu Âu

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó mở rộng đối tượng chịu thuế, đưa nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019. Nếu dự luật thuế này được thông qua, người tiêu dùng sẽ phải trả thuế tương ứng với 22% trị giá của mỗi sản phẩm nước ngọt (bao gồm 12% thuế giá trị gia tăng và 10% thuế TTĐB).

Mục tiêu bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng là đúng đắn. Tuy nhiên, việc tăng thuế không đảm bảo sẽ có tác động tích cực đối với sức khoẻ. Kinh nghiệm ở một số nước trên thế giới đã chỉ ra rằng thuế không phải là giải pháp cho tăng cường sức khoẻ.

Một số nước ở châu Âu đã từng áp dụng chính sách thuế đặc biệt đối với nước ngọt nhiều năm đã phải thay đổi. Ví dụ như Đan Mạch, một trong những nước đầu tiên trên thế giới áp thuế TTĐB đối với nước ngọt. Chính sách thuế này được ban hành từ năm 1930, tuy nhiên, sau 83 năm áp dụng, Đan Mạch đã cắt giảm một nửa thuế TTĐB đối với nước ngọt vào tháng 07 năm 2013, và bãi bỏ hoàn toàn vào 1/1/2014. Chính phủ Đan Mạch đã đi xa hơn và bãi bỏ cả chính sách thuế TTĐB đối với các thực phẩm chứa đường khác trên diện rộng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp tuyên bố rằng việc áp thuế là không hiệu quả và Chính phủ sẽ thử các biện pháp khác để cải thiện sức khoẻ cộng đồng, ví dụ như tuyên truyền, giáo dục.


Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó mở rộng đối tượng chịu thuế, đưa nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.

Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trong đó mở rộng đối tượng chịu thuế, đưa nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.

Theo thống kê của Canadean (một công ty chuyên nghiên cứu thị trường về ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) của tổ chức GlobalData, trụ sở tại Anh Quốc), mức độ tiêu thụ nước ngọt tại Đan Mạch đã giảm nhẹ trong năm 2008 và 2009, nhưng tăng trở lại trong năm 2010 (năm mà nước ngọt có đường đã bị đánh thuế cao hơn). Tuy nhiên, theo Euromonitor, tổ chức chuyên về nghiên cứu và đánh giá thị trường, “trong giai đoạn dẫn đến quyết định bãi bỏ thuế, một lượng lớn người tiêu dùng Đan Mạch đã mua sắm qua biên giới tại Đức để tránh thuế đối với nước giải khát và thực phẩm có chất béo”.

Một báo cáo do Hiệp hội các nhà bán lẻ của Đan Mạch vào năm 2012 cho thấy 57% hộ gia đình Đan Mạch đã vượt qua biên giới sang Đức để mua nước giải khát trong năm này - con số cao nhất trong những báo cáo nghiên cứu được tiến hành thường xuyên. Như vậy, giá thành cao hơn sẽ không dẫn đến thay đổi hành vi, nhưng sẽ tác động đến chi tiêu và thu nhập của người nghèo nói riêng.

Tại Đan Mạch, bất cứ năm nào từ 2008 đến 2014, giai đoạn trước và sau khi thuế nước ngọt bị bãi bỏ, chỉ số khối cơ thể (BMI) bình quân toàn quốc qua từng năm đều có cùng mức độ như nhau (BMI nam giới bình quân là 25.8 từ năm 2008 đến 2010, 25.9 từ 2010 đến 2013, và 26 vào 2016. BMI nữ giới bình quân là 24.5 qua 7 năm). Điều này đồng nghĩa, thuế không ảnh hưởng đến chứng béo phì và các vấn đề sức khỏe.

Chính phủ Đan Mạch kết luận, thuế có “tác động không đáng kể đến thói quen tiêu dùng” và do đó hầu như không ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Vì thuế có ảnh hưởng ít hoặc không có ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của người tiêu dùng, nên Chính phủ đã quyết định bãi bỏ thuế này.

Mặt khác, ngân sách của Chính phủ Đan Mạch đã thâm hụt vì nguồn thu thuế giảm khi người dân chỉ việc sang các nước láng giềng mua mặt hàng này với giá không bị đánh thuế. Việc áp dụng thuế này đã gây ảnh hưởng về mặt xã hội khi các doanh nghiệp ngành công nghiệp nước ngọt và ngành bán lẻ phải cắt giảm nguồn nhân lực.

Động thái bãi bỏ thuế nước ngọt của Đan Mạch được Bộ trưởng Bộ Tài chính Bjarne Corydon giải thích là để “giảm mua sắm qua biên giới, tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế trong nước”. Đây cũng là một phần trong kế hoạch lớn của Chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Helle Thorning-Schmidt để làm cho nền kinh tế Đan Mạch cạnh tranh hơn.

Ông Niels Hald, Tổng thư ký của Bryggeriforeningen, Hiệp hội nước giải khát Đan Mạch cho biết: “Quyết định này là kết quả của những nỗ lực phối hợp nhằm chỉ ra tác động tiêu cực của thuế. Chính phủ Đan Mạch đã thừa nhận tính chất lũy thoái của thuế, tác động tiêu cực của nó đối với việc làm tại khu vực gần biên giới và những hậu quả xấu về môi trường thương mại xuyên biên giới.”

Ông Alain Beaumont, Tổng thư ký của Liên hiệp hội Đồ uống Châu Âu UNESDA, cho biết: “Xu hướng thuế đối với ngành nước giải khát đang suy giảm và được các Chính phủ và quốc hội đồng tình trên khắp châu Âu, do đã không chứng minh được những mục tiêu về sức khoẻ cộng đồng và còn phá hủy công ăn việc làm và giá trị kinh tế.”

Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO tại Hội thảo kỹ thuật dành cho chuyên gia toàn cầu, được tổ chức từ ngày 5-6 tháng 5 năm 2015 tại Geneva, với chủ đề “Chính sách tài khóa đối với chế độ ăn uống và phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm” đã chỉ ra các bằng chứng, kinh nghiệm quốc gia, và các khía cạnh kỹ thuật trong thiết kế và thực hiện chính sách một cách hiệu quả đối với sức khỏe và chế độ dinh dưỡng, để các quốc gia thành viên cân nhắc về phạm vi, phương thức thiết kế và thực hiện chính sách của nước mình.

Theo WHO, những bài học kinh nghiệm rút ra từ trường hợp của Đan Mạch là: các mục tiêu y tế cần phải được đánh giá đầy đủ trước khi ban hành thuế, bao gồm cả việc đo lường các tác động thay thế và các tác động bất lợi. Các chuyên gia và tổ chức y tế cần được tham vấn trong quá trình thiết kế chính sách thuế để đảm bảo tiếng nói chung. Tổng thể hiệu quả xã hội và các đóng góp cho nền kinh tế cần được đánh giá toàn diện. Và tính chống phân biệt đối xử, chống cạnh tranh của thuế phải được phân tích trước khi thực hiện. Cuối cùng, thiết kế chính sách thuế phải rõ ràng và hợp lý dựa trên các nguyên tắc, lý do rõ ràng về sức khỏe cộng đồng.

Báo cáo cũng đưa ra khung thiết kế và thực hành chính sách tài khóa gồm có 4 bước: Đánh giá, Thiết kế, Thực thi và Đo lường. Trong đó, tại khâu đánh giá, cần thiết phải nghiên cứu toàn diện về hiệu quả kinh tế, y tế, tác động đến ngành công nghiệp, mục tiêu của chính sách (đối với sức khỏe và kinh tế). Tại khâu thiết kế, trước khi sử dụng đến các công cụ chính sách thuế, cần xác định nhận thức, giáo dục và hỗ trợ cộng đồng như một giải pháp tương đương.

Theo kết luận của Báo cáo những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của các chính sách tăng thuế gián thu chính là người tiêu dùng có thu nhập thấp. Do vậy, khi thị trường chưa có sẵn những sản phẩm thay thế đạt đủ chất lượng thì chỉ nên áp dụng biện pháp giáo dục, tuyên truyền định hướng tiêu dùng đối với các sản phẩm không phải là sản phẩm thiết yếu hoặc phổ thông”.

Tại Việt Nam hiện có 134 doanh nghiệp nước ngoài và nội địa đang sản xuất nước giải khát. Năm 2016, toàn ngành đóng góp cho ngân sách khoảng 48,000 tỷ đồng, chiếm 2,5% ngân sách nhà nước đứng thứ 2 sau ngành dầu khí. Khi một dự luật có khả năng gây ra những tác động lớn đến một ngành sản xuất và đông đảo người tiêu dùng, trong khi hiệu quả chưa được chứng minh, thì Chính phủ không nên nóng vội, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cần thận, khoa học về những tác động của dự luật này và so sánh với những hiệu quả có thể mang lại trước khi quyết định thông qua.

- Đan Mạch đã ban hành thuế đối với nước ngọt có đường vào những năm 1930, tính đến năm 2013, thuế được áp dụng ở mức 0,22 euro / lít và đóng góp cho ngân sách 60 triệu euro / năm.

- Tuy nhiên, Chính phủ Đan Mạch cũng ước tính rằng họ đã thất thu 38,9 triệu euro tiền thuế giá trị gia tăng (VAT) từ việc người dân mua bán nước giải khát trái phép không nằm trong biên giới quốc gia.

- Năm 2011, Chính phủ cũng đưa ra một khoản thuế chất béo, ở mức 16 Kroner (1,78 bảng) đối với các mặt hàng thực phẩm với lượng chất béo bão hòa cao hơn 2,3%.

- Tuy nhiên, thuế chất béo đã bị bãi bỏ sau 15 tháng khi điều tra cho thấy chỉ có 7% người dân Đan Mạch đã giảm lượng chất béo. Khoản thuế này đã gây ra tình trạng thất nghiệp của 1.300 người, do người người dân thay vì tiêu dùng trong nước, chỉ đơn giản là mua sắm tại biên giới (Đức hoặc Thụy Điển).

-Thuế nước ngọt và thuế chất béo đã bị gỡ bỏ hoàn toàn.

T.N