1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đánh thuế căn nhà thứ 2: Nhìn từ các nước

(Dân trí) - Ở các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2%, riêng Canada là 4%, Mỹ từ 1 đến 3%. Trong lúc đó, tại Việt Nam hiện nay thì chỉ có Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chứ chưa đánh thuế tài sản nhà ở.

Nhìn từ các nước

Bộ Tài chính đề xuất ban hành Luật Thuế tài sản, trong đó, đối tượng chịu thuế là tài sản nhà, đất, nhất là đối tượng sở hữu nhiều nhà, từ căn nhà thứ hai trở đi.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thuế tài sản là loại thuế được ra đời rất sớm trong lịch sử, nguồn thu từ thuế tài sản, đặc biệt là thu từ thuế sử dụng đất là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước của các địa phương.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, Luật thuế này sẽ nhằm mục tiêu góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, minh bạch; phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản; góp phần dịch chuyển dòng tiền thay vì đầu tư vào bất động sản sẽ chuyển sang đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Luật thuế này còn hướng các nhà đầu tư thứ cấp đi vào lựa chọn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thay vì kinh doanh cá thể như hiện nay.

Nhìn ra quốc tế, ông Châu cho rằng, ở các nước, nguồn thu từ thuế tài sản rất lớn nhưng tại Việt Nam cho đến nay chưa đánh thuế tài sản nhà ở.

Cụ thể, nguồn thu từ thuế tài sản chiếm khoảng 2% tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), trong đó, Canada là 4%, Mỹ trong khoảng từ 1 đến 3%. Tại các nước đang phát triển, nguồn thu này chiếm khoảng 0,6% và tại các nước đang chuyển đổi nguồn thu này chiếm khoảng 0,68%. Đây là loại thuế trực thu có khả năng huy động tương đối sát với khả năng đóng góp thực tế của người chịu thuế vì thuế đánh vào những tài sản cụ thể, trước hết là nhà và đất. Xu thế cải cách thuế tài sản trong thời gian gần đây tại một số nước như Canada, Úc, Malaysia,... theo hướng đánh thuế đối với tài sản có giá trị lớn và mở rộng đối tượng thu thuế tài sản.

Tại tiểu bang California, có nơi thu thuế tài sản nhà đất là 1,21%/năm thì trong khoảng 82 năm sẽ thu thuế được 100% giá trị tài sản nhà đất và cứ tiếp tục nguồn thu thuế ổn định này.


Để đánh thuế căn nhà thứ 2, HoREA cho rằng, cần có những vùng cấm không được đụng đến. Chẳng hạn như, không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng.

Để đánh thuế căn nhà thứ 2, HoREA cho rằng, cần có những "vùng cấm" không được "đụng" đến. Chẳng hạn như, không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng.

Trong lúc tại Việt Nam hiện nay thì chỉ có Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 đã quy định các loại đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở tại đô thị là đối tượng chịu thuế; áp dụng thuế suất 0,03% trên bảng giá đất, đối với diện tích đất ở trong hạn mức; áp dụng thuế suất 0,07% đối với phần diện tích đất ở vượt không quá 3 lần hạn mức; và áp dụng thuế suất 0,15% đối với phần diện tích đất ở vượt trên 3 lần hạn mức.

Giá đất tính thuế được tính theo bảng giá đất của thành phố lại chỉ bằng khoảng 30% - 40% giá đất thực tế trên thị trường, nên mức thuế phải nộp rất thấp dẫn đến nguồn thu ngân sách cũng rất thấp, chỉ chiếm 0,03% GDP và 0,15% tổng thu ngân sách nhà nước.

Ví dụ: Căn nhà 100 m2 ở đường Đồng Khởi, quận 1, có giá 194 triệu đồng/m2 theo bảng giá đất (trong lúc giá thị trường lên đến trên 1 tỷ đồng/m2), giá tính thuế là 194 triệu x 100m2 = 19,4 tỷ đồng, mức thuế mà người sử dụng đất ở phải nộp hàng năm là: 19,4 tỷ đồng x 0,03% = 5,82 triệu đồng/năm.

Không đánh thuế những... "vùng cấm"

Theo các chuyên gia bất động sản, tiền sử dụng đất ở nước ta hiện chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% đối với nhà chung cư; khoảng trên dưới 30% đối với nhà phố; khoảng trên dưới 50% đối với nhà biệt thự. Do vậy, nếu ban hành Luật thuế tài sản mà không sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất thì sẽ không hợp lý.

Tại Báo cáo số 196/BC-UBND ngày 8/11/2013 đã trình Chính phủ, UBND TPHCM từng kiến nghị: "Bỏ hẳn khái niệm “tiền sử dụng đất” mà thay thế bằng sắc thuế sử dụng đất ở với thuế suất nhất định, đề xuất khoảng 10% hoặc 15% bảng giá đất. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin – cho. Hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn, để tạo ra nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước”.

Ông Nguyễn Anh Đào, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Viethome cho rằng, việc áp dụng thuế sử dụng đất khi nhà nước giao đất hoặc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong những năm đầu sẽ có tác động làm giảm nguồn thu tiền sử dụng đất thuộc ngân sách cấp tỉnh hiện đang là một nguồn thu quan trọng của địa phương, nhưng sẽ giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng giảm gánh nặng tiền sử dụng đất như hiện nay, giúp làm giảm giá thành nhà ở; doanh nghiệp có thể tiên lượng chi phí thuế sử dụng đất khi đầu tư dự án.

Để đánh thuế căn nhà thứ 2, HoREA cho rằng cần có những "vùng cấm" không được "đụng" đến. Chẳng hạn như, không thu thuế này đối với nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở thương mại có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Các hộ gia đình nghèo dù đã có một căn nhà nhưng đang ở chật nay mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 nhưng tổng diện tích các căn hộ nhỏ này không vượt quá 77m2 cũng cần loại khỏi danh sách đối tượng bị đánh thuế.

"Về lộ trình ban hành Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính cần thực hiện lộ trình ban hành Luật này trước năm 2020 như đã dự kiến trước đây. Trong giai đoạn đầu nên áp dụng mức thuế suất vừa phải, phù hợp với sức dân. Đối với người có từ căn nhà thứ 2 trở đi thì áp dụng thuế suất bậc thang tùy theo số lượng và giá trị tài sản...", ông Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Công Quang