Dân Zimbabwe “ném đá” vì chính phủ chi trăm ngàn USD mua tóc giả cho thẩm phán

(Dân trí) - Chính phủ Zimbabwe đang chịu áp lực lớn sau khi chi hàng trăm ngàn USD để nhập khẩu tóc giả từ Anh cho các thẩm phán trong nước.

Các nhà phê bình cho rằng, việc mua bán tóc giả này như là hành động treo cổ dân chúng đang đói nghèo và lãng phí tiền bạc.

Dân Zimbabwe “ném đá” vì chính phủ chi trăm ngàn USD mua tóc giả cho thẩm phán - 1

Các chánh án Tòa án Tối cao Zimbabwe tham dự lễ tuyên thệ của Tổng thống Emmerson Mnangagwa.

Tờ Zimbabwe Independent đã đưa tin rằng, Ủy ban Dịch vụ Tư pháp của đất nước đã đặt hàng 64 bộ tóc giả bằng lông ngựa từ Công ty Stanley Ley ở London, với chi phí là 1.850 bảng Anh (hơn 56 triệu đồng) cho mỗi bộ tóc giả và tổng cộng là 118.400 bảng Anh (gần 3,6 tỷ đồng).

Stanley Ginsburg, chủ sở hữu của Stanley Ley, đã xác nhận với CNN rằng công ty của ông đã bán tóc giả cho Zimbabwe, nhưng ông cho biết số lượng tóc giả thực tế được đặt hàng là không hề sát với con số được tờ Zimbabwe Independent trích dẫn.

Tuy nhiên, các luật sư và các nhà hoạt động xã hội đã bày tỏ sự tức giận về việc chi tiêu lãng phí này. Họ cho rằng truyền thống đội tóc giả đắt tiền thể hiện sự quản lý tài chính sai lầm, và cũng không cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ pháp lý cho người dân nghèo ở Zimbabwe.

"Truyền thống các thẩm phán đội tóc giả vẫn tiếp tục diễn ra ở Zimbabwe với chi phí cao và luôn gây tranh cãi. Điều này hoàn toàn không có bất kỳ lợi ích ý nghĩa nào”, Arnold Tsunga, giám đốc khu vực châu Phi tại Ủy ban luật sư quốc tế khẳng định.

Hopewell Chin'ono, một nhà báo và nhà làm phim tài liệu hàng đầu của Zimbabwe, cho biết: "Tôi đã nhận định rằng đất nước này phải chịu sự quản lý tài nguyên thảm khốc. Làm thế nào để giải thích cho việc một chính phủ phân bổ 155.000 USD để mua tóc giả ở Anh trong khi họ không mua được băng gạc hay dung dịch sát khuẩn cho trẻ em?”.

Cuối tuần trước, một nhóm các chuyên gia của Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng các chính sách của chính phủ Zimbabwe nhằm giải quyết thâm hụt tài khóa đang đẩy người dân của họ vào tình trạng nghèo đói.

Ủy ban Dịch vụ Tư pháp của Zimbabwe đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của CNN.

Hồng Vân (Tổng hợp)