Dân Việt đổ xô chơi chứng khoán, dàn sao showbiz bất ngờ "đua" tiền ảo
(Dân trí) - Trong bối cảnh Covid-19 căng thẳng, một số địa phương thực hiện giãn cách thì tiền lại đổ vào chứng khoán rất mạnh. Trong khi đó, kênh tiền ảo (chưa được công nhận) cũng thu hút giới nghệ sĩ quan tâm.
Người nổi tiếng kêu gọi đầu tư tiền ảo: Cẩn thận "mất cả chì lẫn chài"
Những ngày qua, nhiều người nổi tiếng đã lên mạng xã hội đăng trạng thái nói về tiềm năng của các loại tiền kỹ thuật số (tiền ảo) như Doge, Shiba, Akita, Poodl, FXT, Kishu… Chuyên gia tài chính khuyên người dân nên cẩn trọng.
Các trạng thái trên mạng xã hội đều được đăng đồng loạt, giống nhau với cùng một nội dung. Điều đó cho thấy có thể đã có một "thế lực" nào đó đứng phía sau để làm chuyện này. Mục đích là để tạo ra một hiệu ứng. Những nhà đầu tư chưa hiểu rõ về tiền kỹ thuật số sẽ dễ dàng tin người nổi tiếng và bỏ tiền mua theo.
"Tôi ví dụ, một nhà tài phiệt nào đó đang đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào những đồng tiền kỹ thuật số do thanh khoản của những đồng tiền này rất lớn, lên tới hàng chục tỷ USD. Họ muốn những người nổi tiếng quảng cáo để đẩy thanh khoản của những đồng tiền này lên cao hơn nữa. Sau đó, họ sẽ chốt lời. Khi những nhà đầu tư lớn bán ra thì giá sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều" - ông Thông nói.
Theo ông Thông, nếu xét về tiềm năng thì đầu tư vào tiền kỹ thuật số là có tiềm năng vì đây là tương lai. Sản phẩm dựa trên nền tảng tài chính phi tập trung. Tuy nhiên, rủi ro của nhà đầu tư là chưa được pháp luật Việt Nam chấp nhận.
Chống dịch Covid-19, người Việt tích cực… ở nhà "đánh" chứng khoán
Nhìn lại những đợt Việt Nam chống dịch trước đây, có điểm rất thú vị đó là khi tình hình dịch Covid-19 trở nên căng thẳng, người dân được yêu cầu không tụ tập đông người, thì chứng khoán lại bắt đầu nhịp tăng mới.
Trong những ngày gần đây, thị trường liên tục có những phiên giao dịch với giá trị dòng tiền cán mốc 1 tỷ USD.
"Trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại, tôi thấy việc ra ngoài gặp gỡ đối tác có phần bị hạn chế, hơn nữa, cũng khó triển khai những dự án về dịch vụ. Hoạt động đầu tư bất động sản cũng không thuận lợi, thanh khoản kém hơn so với cổ phiếu. Do đó, tôi dành thời gian để tìm hiểu và đầu tư chứng khoán. Từ tháng 4 năm 2020 tôi mới gia nhập thị trường, song mức sinh lời cũng đạt khoảng trên 50%, như vậy là mức chấp nhận được" - anh Nguyễn Anh Quân - một nhà đầu tư ở TP Vinh - cho hay.
Thực tế, mặc dù trong một số thời điểm, thị trường chứng khoán được cảnh báo về tình trạng "tăng nóng". Tuy nhiên, đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, trong khi đó, các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá đang rẻ đáng kể so với khu vực và thế giới.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), trong tháng 4/2021, số lượng tài khoản mở mới là 110.655 tài khoản, nâng tổng số tài khoản chứng khoán lên hơn 3,14 triệu tài khoản. Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới ở mức 109.998 tài khoản, gấp 3 lần cùng kỳ dù giảm so với mức 113.191 tài khoản của hồi tháng 3. Đây cũng là tháng thứ 2 liên tiếp, cá nhân trong nước mở mới trên 100.000 tài khoản chứng khoán.
Rất khó xảy ra "bong bóng" ở 2 lĩnh vực bất động sản và chứng khoán
Nhiều thông tin cho rằng cung tiền (M2) - một trong những chỉ số chính được sử dụng để tính toán lạm phát của Việt Nam đang rất cao và đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2020- 2021 khi so sánh với tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo các chuyên gia, không riêng gì Việt Nam mà nhìn xa hơn ở Mỹ và các quốc gia khác "tiền rẻ đang tràn ngập trên thị trường". Điều này dẫn tới rủi ro về "bong bóng" tài sản như chứng khoán, bất động sản và ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô.
Liệu có nguy cơ "bong bóng" tài sản nhìn từ tốc độ tăng cung tiền M2 và tăng trưởng tín dụng trong quý I/2021?
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Minh Tú - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - cho biết, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ "vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế", đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ, đồng thời tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho tổ chức tín dụng, qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy động và cho vay.
Đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020.
Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, cung tiền ở Việt Nam thực tế không đáng lo ngại, với mức tăng đâu đó khoảng 12-13%, tương đương tăng trưởng tín dụng và không có gì bất thường.
Một số gói hỗ trợ nhỏ vào khoảng 1% GDP là không đáng kể so với các nước phát triển đang sử dụng những gói cứu trợ lên tới 20 - 25% GDP. Những nước như vậy mới cần lo tới bong bóng tài sản nếu như người dân dùng tiền đó để đầu tư chứng khoán, bất động sản.
Quan trọng là Việt Nam không bơm thêm tiền vào lưu thông, tăng trưởng tín dụng bình thường.
Giá vàng sụt giảm, ồ ạt bán ra
Tuần qua, giá vàng biến động chóng mặt. Riêng phiên 13/5, tại Hà Nội, giá vàng SJC niêm yết tại 55,6 - 56 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm tiếp mỗi chiều 120.000 đồng/lượng so với chốt phiên 12/5.
Tương tự, tại TPHCM, doanh nghiệp mua - bán vàng tại mức 55,78 - 56,13 triệu đồng/lượng, giữ nguyên chiều mua còn chiều bán ra tăng 10.000 đồng/lượng.
Lúc 8h30 cùng ngày (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại châu Á ở mức trên 1.821 USD/ounce, với biên độ tăng gần 6 USD
Giá vàng biến động mạnh trong bối cảnh lực cầu bán mạnh khi giới đầu tư chờ đợi những tín hiệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về tương lai chính sách tiền tệ của nước Mỹ.
Việc Mỹ vừa công bố số liệu lạm phát cao hơn so với kỳ vọng đã kéo giá vàng sụt giảm mạnh. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 tại Mỹ tăng 0,8% so với tháng 3 và tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước.