Rất khó xảy ra "bong bóng" ở 2 lĩnh vực bất động sản và chứng khoán

Cung tiền (M2) tiếp tục đổ vào 2 thị trường bất động sản (BĐS) và chứng khoán bất chấp mọi lo ngại dự báo của nhiều chuyên gia? Liệu có bong bóng xảy ra trên 2 thị trường này?

Rất khó xảy ra bong bóng ở 2 lĩnh vực bất động sản và chứng khoán - 1

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN - khẳng định chính sách tiền tệ vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ nền kinh tế để thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.

"Sốt nóng" trên thị trường BĐS, Chứng khoán

Chưa bao giờ thị trường BĐS chứng kiến cơn sốt nóng về thị trường này từ Bắc tới Nam. Điển hình tại Hà Nội, các vùng ven như Hoài Đức, Hà Đông, Ba Vì, Thạch Thất giá đất tăng từng ngày.

Trong khi giá đất liền kề tại dự án An Vượng Dương Nội Villas, thuộc khu đô thị Nam Cường (quận Hà Đông), cũng được giao dịch từ 40 - 70 triệu đồng/m2, tùy theo vị trí. Tương tự, tại các làng ven đô như Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh), La Dương, La Phù (quận Hà Đông, TP Hà Nội),… đất nền đang được đẩy nóng, giá bán thông thường từ 25-50 triệu đồng/m2, đang tạo nên cơn sốt đất vùng ven đô.

Tại Đồng Nai, với lợi thế tiếp giáp khu Đông TP.HCM và bản thân tỉnh đang có sự tăng trưởng kinh tế tốt, đặc biệt là sân bay Long Thành đã bắt đầu đi vào các bước khởi động theo lộ trình, khiến các dự án đất nền tại đây được hưởng lợi thông tin. Kéo theo đó, giá đất cũng tăng trưởng mạnh.

Không chỉ sốt nóng cục bộ tại phân khúc BĐS mà trên TTCK, chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh mới với số lượng tài khoản của nhà đầu tư mở mới ngày càng tăng. Theo số liệu vừa công bố từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VDS), số lượng tài khoản do nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tháng 3/2021 tăng vọt lên mức 113.191 tài khoản, cao nhất trong lịch sử thị trường.

Trước đó, kỷ lục lịch sử được ghi nhận là tháng 1/2021 với 86.107 tài khoản cá nhân trong nước. Đặc biệt, số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở mới trong tháng 3 cũng xác lập kỷ lục với 502 tài khoản, mức cao nhất kể từ tháng 5/2018. Hiện tổng số tài khoản do nhà đầu tư cá nhân nước ngoài mở tại thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 32.391 tài khoản. Dòng tiền ồ ạt đẩy vào 02 lĩnh vực này khiến thị trường lên cơn sốt nóng. Theo đó cũng đã xuất hiện dự báo đầy lo ngại của giới chuyên môn về rủi ro phía trước. 

Không đáng lo ngại với cung tiền

Nhiều thông tin cho rằng cung tiền (M2) - một trong những chỉ số chính được sử dụng để tính toán lạm phát của Việt Nam đang rất cao và đặc biệt tăng mạnh trong giai đoạn 2020- 2021 khi so sánh với tốc độ tăng trưởng GDP. Theo các chuyên gia không riêng gì VN mà nhìn xa hơn ở Mỹ và các quốc gia khác "tiền rẻ đang tràn ngập trên thị trường". Điều này dẫn tới rủi ro về bong bóng tài sản như chứng khoán, bất động sản và ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Liệu có nguy cơ "bong bóng" tài sản nhìn từ tốc độ tăng cung tiền M2 và tăng trưởng tín dụng trong Quý 1/2021? Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Minh Tú- Thống đốc NHNN cho biết, chính sách tiền tệ của NHNN vẫn được điều hành theo định hướng chủ đạo hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ "vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế", đảm bảo vận hành thông suốt và ổn định thị trường tiền tệ. Đồng thời tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào cho TCTD, qua đó giảm áp lực lên lãi suất huy  động và cho vay. Đến ngày 16/4/2021, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 2,90% so với cuối năm 2020 và tăng 15,66% so với cùng kỳ 2020.

Về vấn đề này TS Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia tài chính Ngân hàng cho rằng, cung tiền ở Việt Nam thực tế không đáng lo ngại, với mức tăng đâu đó khoảng 12-13% - tương đương tăng trưởng tín dụng, không có gì bất thường. Một số gói hỗ trợ nhỏ vào khoảng 1% GDP là không đáng kể so với các nước phát triển đang sử dụng những gói cứu trợ lên tới 20 - 25% GDP. Những nước như vậy mới cần lo tới bong bóng tài sản nếu như người dân dùng tiền đó để đầu tư chứng khoán, bất động sản.

Việc cung tiền M2 tăng trưởng nhanh so với GDP ở thời điểm hiện tại là không đáng lo ngại. Quan trọng là Việt Nam không bơm thêm tiền vào lưu thông, tăng trưởng tín dụng bình thường. Trong khoảng vài năm trở lại đây cách điều hành của NHNN vốn đã là rất thận trọng, không vì suy thoái kinh tế mà tăng cung tiền. Ngay cả việc khoanh, giãn, hoãn nợ ở thời điểm hiện tại cũng không có ảnh hưởng gì lớn với tăng trưởng cung tiền nên không có điều gì đáng lo ngại với chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính, ngân hàng hàng chia sẻ, hiện Mỹ dùng gói cứu trợ là 3.000 tỷ USD so với GDP là 9.000 tỷ USD thì đã lên tới 30% GDP; Nhật Bản dùng gói cứu trợ 1.800 tỷ USD/4.500 tỷ USD GDP. Những quốc gia như vậy mới cần lo tới bong bóng tài sản nếu như người dân dùng tiền đó để đầu tư chứng khoán, bất động sản. Nhưng ở Việt Nam điều này không đáng lo ngại, vì lượng tiền bơm vào nền kinh tế không có sự bất thường.

Dòng tiền vào 02 lĩnh vực đã được kiểm soát

NHNN đã báo cáo về dòng tiền đầu tư vào chứng khoán, BĐS. Được biết, Thủ tướng đã giao NHNN có báo cáo chi tiết về tình hình tăng trưởng tín dụng, dòng tiền vào 2 lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của NHNN cho biết, trong 3 năm qua, tăng trưởng tín dụng vào BĐS như sau: Năm 2018 tăng 26,6%, năm 2019 tăng 21,53%; năm 2020, do dịch bệnh nên chỉ tăng 11,89%, thấp hơn tăng trưởng tín dụng chung. 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng ước đạt 3%, cao hơn không đáng kể so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (2,93%). So sánh cùng kỳ các năm trước, số liệu tăng trưởng tín dụng vào BĐS quý I tăng 3% là không tăng đột biến, như quý I năm 2019, tín dụng BĐS tăng 5,79. Tín dụng BĐS chiếm 19% tổng dư nợ nền kinh tế.

"Hiện nay, NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực BĐS. Theo chuyên gia đánh giá, tăng trưởng nóng BĐS có nguyên nhân từ việc nhà đầu tư có hiện tượng đầu cơ lướt sóng trong thời gian qua, do các địa phương ban hành các bảng giá để tăng giá đất từ 15-20%; thị trường vàng, chứng khoán tăng trưởng, nhà đầu tư sinh lời, đầu tư vào BĐS; bên cạnh đó là do tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến dòng tiền... Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực BĐS" - ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định...

Rất khó xảy ra bong bóng ở 2 lĩnh vực bất động sản và chứng khoán - 2

Số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán mở tăng từng tháng

Ở lĩnh vực chứng khoán, theo thống kê, hiện dư nợ lĩnh vực chứng khoán đến hết quý I là 45.300 tỉ đồng, chiếm 0,5% tổng dư nợ, giảm 1% so với cuối năm 22020. Số liệu từ nhóm tổ chức tín dụng, dư nợ chứng khoán tập trung chủ yếu ở nhóm NHTMCP Nhà nước (chiếm 43,47%), nhóm NHTMCP khác (chiếm 48,42%).

"Dù quy mô tăng trưởng chứng khoán không lớn, nhưng NHNN đánh giá lĩnh vực chứng khoán và BĐS tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát chặt chẽ hoạt động cũng như đầu tư, giám sát chặt chẽ dòng tiền, kiểm tra, kiểm soát sau cho vay đối với các khoản đầu tư vào lĩnh vực này", Lãnh đạo NHNN khẳng định.