Dân Venezuela khốn đốn vì khan hiếm…giấy vệ sinh

(Dân trí) - Người dân Venezuela nhiều ngày qua đã đổ xô đi tích trữ giấy vệ sinh do lo ngại tình trạng khan hiếm sẽ còn kéo dài. Trong khi đó chính phủ nước này đã phải trấn an bằng cam kết cho nhập 50 triệu cuộn giấy vệ sinh.

Theo hãng tin AP, sau nhiều năm kinh tế gặp khó khăn, người Venezuela đã quen với tình trạng khan hiếm thuốc men, đường, sữa, vậy nhưng những ngày này, việc giấy vệ sinh trở nên khan hiếm đã gây tâm lí lo ngại bất thường.

Mặt hàng giấy vệ sinh đang “cháy” tại Venezuela
Mặt hàng giấy vệ sinh đang “cháy” tại Venezuela

“Ngay cả ở tuổi của tôi, tôi cũng chưa từng chứng kiến chuyện này”, Maria Rojas, một phụ nữ 70 tuổi cho biết. Suốt 2 tuần qua bà đã đi tìm mua giấy vệ sinh khắp nơi và cuối cùng cũng tìm được một siêu thị ở trung tâm thủ đô Caracas còn bán.

Chỉ riêng trong sáng qua, hàng nghìn cuộn giấy vệ sinh đã được tiêu thụ hết bởi người tiêu dùng đua nhau đi tích trữ. “Tôi mua nó bởi đang rất khan hiếm”, Maria Perez, vừa nói vừa bước ra khỏi siêu thị với nhiều cuộn giấy. “Ở đây mọi thứ đều khan hiếm, bơ, đường, bột mỳ”, bà nói tiếp. Nhưng đợt khan hiếm này đặc biệt đáng lo ngại “bởi giấy vệ sinh thường lúc nào cũng sẵn”.

Các nhà kinh tế cho biết sự khan hiếm hàng hóa tiêu dùng cơ bản ở Venezuela bắt nguồn từ các chính sách kiểm soát giá cả, vốn được ban hành để tạo điều kiện cho những người nghèo nhất cũng có thể mua sắm và cũng là để chính phủ kiểm soát ngoại tệ.

Trước tình trạng trên, Tổng thống Nicolas Maduro, người vừa được bầu kế nhiệm ông Hugo Chavez, khẳng định các thế lực chống chính phủ, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân đang gây ra sự khan hiếm này để gây bất ổn đất nước.

Trong tuần này chính phủ Venezuela đã tuyên bố sẽ nhập 760.000 tấn lương thực và 50 triệu cuộn giấy vệ sinh. Bộ trưởng thương mại Alejandro Fleming cho biết “nhu cầu tăng vọt” đối với mặt hàng giấy vệ sinh là do “các chiến dịch truyền thông được tạo ra để gây bất ổn đất nước”.

Ông khẳng định hàng tháng nhu cầu tiêu thụ giấy vệ sinh của nước này chỉ khoảng 125 triệu cuộn nhưng sức mua hiện tại “khiến chúng tôi nghĩ rằng phải cần thêm 40 triệu cuộn nữa”. “Chúng tôi sẽ nhập về 50 triệu cuộn để cho những nhóm đó thấy rằng họ không thể làm chúng tôi khuất phục”.

Dù vậy thì người tiêu dùng chưa mấy yên tâm khi họ vẫn khó tìm mua được thứ hàng thiết yếu này. Một số siêu thị tại thủ đô Caracas mà phóng viên AP đến khảo sát hai ngày qua cho thấy tất cả đều trong tình trạng “cháy” giấy vệ sinh. Những siêu thị nào nhập được hàng về đều nhanh chóng được khách hàng đổ xô đến mua sạch.

“Tôi đã tìm mua suốt 2 tuần”, bà Cristina Ramos cho biết tại một cửa hàng. “Họ nói với tôi rằng họ còn một ít ở đây nên giờ tôi đứng xếp hàng”.

Bộ trưởng Tài chính Venezuela Nelson Merentes cho biết chính phủ cũng đang đối mặt với nạn khan hiếm ngoại tệ, khiến các nhà cung cấp nước ngoài dừng cung cấp nguyên liệu thô, thiết bị và phụ tùng cho các công ty Venezuela, làm cho sản xuất đình đốn.

“Chúng tôi đang cải thiện tình hình. Chúng tôi phải làm việc rất tích cực”, ông Merentes phát biểu với báo giới hôm thứ Tư.

Hiện nhiều nhà máy tại nước này chỉ hoạt động 50% công suất do các biện pháp quản lý ngoại hối khiến họ gặp khó khăn trong thanh toán nguyên liệu, phụ tùng nhập khẩu. Lãnh đạo một số doanh nghiệp cho biết họ đang có nguy cơ phá sản bởi không thể trì hoãn thêm việc thanh toán cho nhà cung cấp nước ngoài.

Merentes cũng cho biết thêm chính phủ đã đáp ứng nhu cầu mua USD của khoảng 1500 doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn với nhà cung cấp. Bộ này cũng đang xem xét yêu cầu của một số doanh nghiệp lớn.

Khi còn tại vị cố Tổng thống Chavez vủa Venezuela đã áp đặt các biện pháp quản lý ngoại tệ suốt 1 thập niên qua nhằm ngăn chặn nạn chảy máu vốn. Được Chavez tiến cử làm người kế nhiệm, ông Maduro đang trở thành Tổng thống mới sau cuộc bầu cử hôm 14/4 vừa qua. Tuy vậy chính trường Venezuela chưa hết sóng gió khi đối thủ của ông Maduro cáo buộc có gian lận trong bầu cử.

Hiện người dân Venezuela đang đối mặt với sự khan hiếm nhiều mặt hàng và người dân phải xếp hàng trước các siêu thị, hiệu thuốc. Tháng trước, chỉ số khan hiếm hàng hóa của Venezuela lên mức cao nhất từ năm 2009, trong khi lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 30%.

Thanh Tùng
Theo AP