Dân nhậu “sợ"... bia rượu, ngành “gà đẻ trứng vàng" một thời lao đao

(Dân trí) - Quy định mới về phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ đầu năm 2020 được dự báo sẽ tác động mạnh đến sản lượng ngành bia - một ngành vốn được cho là “gà đẻ trứng vàng" ở một quốc gia nhiều “dân nhậu" như Việt Nam.

Dân nhậu “sợ... bia rượu, ngành “gà đẻ trứng vàng một thời lao đao - 1
Hà Nội: Quán nhậu đìu hiu vắng khách, thất thu sau Nghị định 100. Ảnh: Đỗ Quân.

Ngành bia hết thời vàng son

Người Việt uống bia vào “top" nhiều nhất thế giới. Chính lẽ đó, lâu nay Việt Nam được đánh giá là một thị trường vô cùng tiềm năng với ngành bia.

Theo Euromonitor, sản lượng bia ở Việt Nam có thể đạt 4,9 tỷ lít trong năm 2021, tương đương với CAGR là 5,5%. Sản lượng bia tiêu chuẩn và cao cấp sẽ tăng với CAGR lần lượt là 5,5% và 7%, trong đó các sản phẩm cao cấp nhập khẩu ước tính đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất là 10,3%.

Dân nhậu “sợ... bia rượu, ngành “gà đẻ trứng vàng một thời lao đao - 2

Tuy nhiên, với Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, ngành này được đánh giá sẽ kém khả quan hơn trong thời gian tới. Theo đó, một số báo cáo, chuyên gia đã chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng ngành bia sẽ khó đạt kỳ vọng.

Trao đổi với Dân trí, GS. TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng cho rằng, ngành bia rượu chắc chắn chịu tác động với quy định cấm lái xe sau khi uống rượu bia.

Ông Việt cho biết, thực tế vừa qua quy định này đã khiến không ít nhà hàng, quán bia… sụt giảm hẳn lượng khách. Điều này sẽ tác động sản ngành sản xuất, nguồn thu nhà nước từ lĩnh vực này cũng sẽ giảm đi.

“Con số ảnh hưởng cụ thể như thế nào thì tôi chưa có. Có lẽ phải sau 6 tháng, một năm mới có được đánh giá chính xác. Tuy nhiên tác động là chắc chắn", ông Việt nói.

Theo quan điểm của Chủ tịch VBA, việc xử lý nghiêm các lái xe uống bia rượu là hoàn toàn đúng đắn để đảm bảo an toàn giao thông. Trước đây, khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia chưa có hiệu lực thì luật giao thông đường bộ cũng đã có quy định rất rõ ràng về xử phạt tài xế “ma men".

“Bây giờ chúng ta nâng cấp nó lên theo hướng chặt hơn. Tuy nhiên tôi cho rằng cũng nên có những nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng hơn, trong đó tính toán đến những đặc thù riêng từng nước, từ thực tế, trình độ, phát triển kinh tế...", ông Việt nêu ý kiến.

Theo vị này, nhiều nước phát triển hiện nay họ vẫn cho phép có nồng độ cồn nhất định, bởi có thể lượng tồn dư từ hôm trước người dân uống chưa hết. Hoặc với liều lượng nhất định, trên cơ sở tính toán vẫn thấy lượng cồn cho phép khiến con người đủ tỉnh táo.

Tăng trưởng khó đạt 2 con số

Trước đó, một số dự báo cho rằng thị trường ngành bia có thể đạt mức hơn 10%.

Tuy nhiên, theo quan điểm Bộ phận nghiên cứu Công ty chứng khoán SSI, do ảnh hưởng của luật về việc phòng chống tác hại của rượu bia, tăng trưởng sản lượng bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức 2 con số. SSI dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 6-7% trong năm 2020.

Dân nhậu “sợ... bia rượu, ngành “gà đẻ trứng vàng một thời lao đao - 3

Trong báo cáo vừa công bố, SSI cho rằng Luật phòng chống tác hại của rượu bia với các biện pháp như cấm quảng cáo trong các sự kiện và trên các phương tiện truyền thông trong khung thời gian cụ thể; cấm lái xe sau khi uống rượu bia và gia tăng các chương trình giáo dục cộng đồng để truyền thông về tác động tiêu cực của việc uống quá nhiều đồ uống có cồn sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành.

Thực tế không chỉ quy định cấm lái xe sau khi uống rượu bia “gây khó" ngành bia. Hiện nay, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bia rượu trong nước đang chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ “ông lớn" ngoại.

Với mức sống của người dân ngày càng tăng, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn với những dòng bia đắt tiền hơn được nhập khẩu. Đồng thời, khi ý thức chăm sóc sức khoẻ ngày càng được chú trọng, người dân cũng đã có sự thay đổi thức uống, khẩu vị.

“Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ngoại đã khiến cho thị trường thu hẹp lại. Khi đó, sức tăng trưởng của các doanh nghiệp cũng ở mức vừa phải, không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư”, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp nhận định.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt trong báo cáo mới được công bố, áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ ngoại (Heineken, Carlsberg) khiến sản lượng bia tiêu thụ sụt giảm mạnh. Cùng với đó, giá nguyên liệu đại mạch, nhôm tăng mạnh.

Trước đó, trao đổi với Dân trí, chuyên gia tài chính doanh nghiệp Phan Lê Thành Long cho rằng việc ảnh hưởng từ Luật phòng chống tác hại của rượu bia đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phục vụ rượu bia là khá rõ ràng.

Tuy nhiên theo vị này, mức độ ảnh hưởng lớn đến đâu, có dài hạn hay không phụ thuộc rất nhiều vào khâu thực thi pháp luật. Nếu thực thi không tốt, lỏng lẻo thì ảnh hưởng không lớn.

Cũng theo vị chuyên gia này, kinh doanh rượu bia được đánh giá là một trong những ngành có xu hướng phát triển không bền vững, sẽ giảm trong 10 năm tới khi ý thức về chăm sóc, giữ gìn sức khoẻ của người dân ngày càng cao.

“Người Việt hiện vẫn còn nhậu nhiều. Trong Sài Gòn, chiều thứ 6 các quán nhậu kín mít. Tôi cho rằng nên giảm dần thói quen này. Và thực tế thì cũng đang có xu hướng giảm dần thói quen này. Không hẳn vì Nghị định 100 mà vì nhiều người cũng nhận ra tác hại rượu bia và chủ động từ bỏ nó", ông Long cho biết.

Ông Long cũng cho rằng doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này cũng nên có hình thức chuyển đổi thích hợp để bắt kịp xu thế như sản xuất, kinh doanh bia không cồn, tích hợp thêm các dịch vụ đưa đón hoặc chuyển mình sang các ngành khác…

Nguyễn Mạnh