Khánh Hòa:

Dân “khóc ròng” vì tỏi mất mùa, mất giá

(Dân trí) - Người trồng tỏi ở Khánh Hòa đang đối diện với một mùa tỏi thua lỗ nặng nề do mất mùa, mất giá. Sự lệ thuộc về đầu ra đang là bài toán “đau đầu” cho người trồng tỏi, ngành chức năng nơi đây.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Tỏi mất mùa, giá lại “lao dốc”…

Những ngày này, về vựa tỏi của tỉnh Khánh Hòa ở xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), chúng tôi chứng kiến hàng trăm người dân đang hối hả xuống đồng thu hoạch tỏi. Dù chưa đến địa phận của xã nhưng mùi tỏi đã lan tỏa ngào ngạt khiến sống mũi của bất cứ ai cũng cay xè.

Theo các hộ dân trồng tỏi, đây là vụ tỏi lớn nhất năm nhưng tỏi mất mùa, lại mất giá. Bà Nguyễn Thị Dung (58 tuổi, thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước), cho biết, vụ tỏi năm nay bà trồng 1 ha tỏi, nhưng do bị dòi tấn công nên chỉ thu hoạch được 50%. “Năm ngoái, 1 ha tỏi gia đình tôi thu được 6-7 tấn, nhưng năm nay chỉ đạt 4 tấn. Với năng suất này, gia đình tôi lỗ đến 100 triệu đồng”, bà Dung than thở.

Tỏi ở Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), không khác gì tỏi Lý Sơn.
Tỏi ở Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), không khác gì tỏi Lý Sơn.
Tỏi ở Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), không khác gì tỏi Lý Sơn.

Trong khi đó, chị Trần Thị Nhung (43 tuổi), một hộ dân trồng tỏi khác ở Ninh Yển, Ninh Phước, cho biết: “Mọi năm, 1 sào là đạt 1 tấn tỏi, nhưng năm nay tỏi mất mùa, chỉ đạt 7 tạ/sào. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài, thiếu nước nên tỏi bị héo hàng loạt, củ nhỏ”. Không chỉ mất mùa, tỏi lại mất giá khiến người trồng tỏi ở Khánh Hòa thêm lao đao.

Theo khảo sát, hiện người trồng tỏi ở các xã Ninh Phước, Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), huyện Vạn Ninh… phải bán 1kg tỏi tươi là 18.000 - 20.000 đồng/kg, thay vì 23.000 - 25.000 đồng/kg như năm ngoái. “Giá cả đã thấp rồi nhưng năm nay rất ít thương lái đến thu mua. Mọi năm giờ này, không khí mua bán rất nhộn nhịp, xôn xao”, chị Nhung tâm sự. Được biết, do giá tỏi tươi “lao dốc”, nhiều hộ dân trồng tỏi ở Khánh Hòa đã chuyển sang phơi nắng, bán khô.

Người trồng tỏi cho biết, cứ trung bình 100kg tỏi tươi sau khi phơi khô thì đạt khoảng 60 - 65kg. Hiện 1kg tỏi khô dao động từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, tuy nhiên, chi phí thuê nhân công rất tốn kém. Thông thường, mỗi mẻ tỏi khô phải phơi 5 - 7 nắng, và mỗi lao động được trả 130.000 - 150.000 đồng/ngày.


Lời giải nào cho bài toán lệ thuộc đầu ra?

Ông Phan Phùng, Chủ tịch Hội nông dân xã Ninh Phước, cho biết, toàn xã có 120ha tỏi, tập trung ở các thôn Ninh Yển, Ninh Tịnh và Mỹ Giang. Thương lái đến địa phương mua tỏi chủ yếu ở Lý Sơn, Quảng Ngãi. Do không tự chủ được đầu ra nên giá cả thường rất bấp bênh, thất thường.

Theo ông Phùng, về lâu dài cần hướng đến xây dựng một “thương hiệu tỏi” ở Khánh Hòa, nhằm đảm bảo ổn định giá cả cho người trồng tỏi và để cạnh tranh với các địa phương khác trong cả nước.

Dân Khánh Hòa “khóc ròng” vì tỏi mất mùa, mất giá.
Dân Khánh Hòa “khóc ròng” vì tỏi mất mùa, mất giá.
Dân Khánh Hòa “khóc ròng” vì tỏi mất mùa, mất giá.

Trong khi đó, ông Hàng Văn Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), nói rằng: Người trồng tỏi có kinh nghiệm và ngay cả người Lý Sơn cũng thừa nhận tỏi ở các xã như Ninh Phước, Ninh Vân chất lượng chẳng khác gì tỏi ở “vương quốc tỏi” Lý Sơn (Quảng Ngãi). Theo đó, tỏi ở đây được lấy giống từ đảo Lý Sơn, được trồng trên đất cát vôi - như ở Lý Sơn và do chính tay người Lý Sơn trồng. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, sức cạnh tranh, giá tỏi Khánh Hòa lại thua hẳn tỏi ở Lý Sơn.

Ông Hướng cho biết, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa đã có triển khai đề tài trồng thí điểm tỏi trên vùng đất cát ven biển Khánh Hòa như ở Ninh Vân, Ninh Phước… và định hướng xây dựng thương hiệu tỏi Khánh Hòa. Tuy nhiên, mọi việc chỉ dừng lại ở nghiên cứu, chứ trên thực tế, cái gọi là thương hiệu tỏi Khánh Hòa đến nay vẫn chưa ra đời.

“Theo tôi biết thì Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá rất cao đề tài này. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề thương hiệu tỏi Khánh Hòa cũng chỉ dừng lại ở mức trao đổi, chứ chưa có thống nhất cụ thể”, ông Hướng nói.

Viết Hảo



Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”