1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Dân đảo Síp lại đổ xô rút tiền vì sợ ngân hàng sụp đổ

(Dân trí) - Trong khi các chính trị gia vẫn chưa tìm được giải pháp khả thi sau khi đề xuất đánh thuế tiền gửi bị quốc hội bác bỏ, người dân đảo Síp ngày 21/3 lại rồng rắn xếp hàng rút tiền vì sợ ngân hàng lớn thứ hai nước này sụp đổ.

Trên nhiều tuyến phố của thủ đô Nicosia, có thể dễ dàng nhận thấy những hàng dài người tụ tập trước máy ATM của Popular Bank, ngân hàng lớn thứ hai quốc đảo này và còn được biết đến với cái tên Hy Lạp là Laiki Bank.

Nhiều người dân Síp nổi giận vì không rút được tiền
Nhiều người dân Síp nổi giận vì không rút được tiền

“Vấn đề bây giờ là tiền mặt. Chỉ có một kẻ thích mạo hiểm mới nhận séc vào thời điểm này”, cựu viên chức nhà nước về hưu có tên Phaedon Vassiliades khẳng định với hãng tin AFP trong lúc đang rút tiền tại một cây ATM trên phố Ledra.

Đằng sau chiếc xe lăn của Vassiliades là một hàng dài những người đang sốt ruột chờ đợi đến lượt để có thể rút càng nhiều tiền càng tốt. “Có tin đồn rằng Laiki Bank sẽ không bao giờ có thể mở cửa trở lại. Tôi muốn rút tiền càng nhiều càng tốt”, Vassiliades, một người đã mất 2 chân trong một vụ tai nạn nhiều năm trước nói tiếp.

“Tôi có gần 60.000 euro tiền tiết kiệm tại ngân hàng này và một số tổ chức tín dụng khác. Tôi không biết liệu có thể lấy lại chúng hay không. Đây là tất cả những gì tôi có nhưng giờ thì có vẻ sắp mất hết rồi”.

Theo quan sát của phóng viên AFP cảnh tượng tương tự cũng diễn ra tại nhiều địa điểm khác bên ngoài điểm giao dịch của Popular Bank giữa lúc có tin cho rằng chính phủ Sip do gặp khó khăn trong việc ngăn chặn ngành ngân hàng sụp đổ, đang tính chuyện sáp nhập ngân hàng này với Bank of Cyprus, ngân hàng lớn nhất nước này.

Trong ngày hôm qua, chính phủ nước Sip đã thảo luận về “phương án B” nhằm đạt được gói cựu trợ của ngân hàng trung ương châu Âu (ECB). Hiện thời hạn chót được đặt ra cho Nicosia là đến hết tuần này. Tuy nhiên những người gửi tiết kiệm tại Popular Bank không mấy tin vào chính phủ.

“Síp đang chìm. Họ (EU và cộng đồng quốc tế) cũng đã chuẩn bị để Síp chìm”, Gautam Kapoor, một công nhân người Anh làm việc cho một công ty của Hy Lạp nhận định trong lúc đang chờ rút tiền bên ngoài cây ATM của Popular Bank.

Hàng dài người rút tiền sếp hàng tại một cây ATM của Laiki Bank
Hàng dài người rút tiền sếp hàng tại một cây ATM của Laiki Bank

Hiện lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng đã xuống thấp đến mức hầu hết các giao dịch đều phải thanh toán bằng tiền mặt. Quản lý một cây xăng gần nơi Kapoor đứng rút tiền cũng xác nhận thông tin này. “Tôi chẳng thể giúp được gì. Tôi phải trả cho các nhà cung cấp nhiên liệu bằng tiền mặt nên giờ tôi chỉ chấp nhận bán cho ai trả tiền mặt”, Photoulla Zantis khẳng định với AFP.

Hiện phương án “cầu cứu” Nga của chính phủ Síp có vẻ đã không thành khi Bộ trưởng tài chính nước này Michael Sarris phát biểu từ Moscow cho biết chính phủ Nga sẽ không cho họ vay tiền mà chỉ cân nhắc đầu tư vào ngành năng lượng.

Trong khi đó ECB đã đưa ra “tối hậu thư” cho chính phủ Síp, yêu cầu nước này phải tìm được giải pháp giúp các ngân hàng tránh khỏi phá sản trước thứ Hai tới nếu muốn nhận được gói cứu trợ khẩn cấp của ECB.

Bộ trưởng tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, người chủ trì cuộc họp các Bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro cho rằng ECB không hề đe dọa Síp. “Điều đó chỉ nhấn mạnh mức độ cấp thiết của tình hình đối với chính phủ Síp”, ông Dijsselbloem phát biểu trong cuộc họp của nghị viện châu Âu tại Brussels, Bỉ. “Chúng ta cần đạt được một thỏa thuận về một chương trình thật sớm. Tôi nghĩ quan điểm của ECB hoàn toàn đúng đắn”.

Trong lúc chưa thể có giải pháp rõ ràng, các ngân hàng tại Síp đã được lệnh tiếp tục đóng cửa cho đến hết ngày 22/3. Và với việc thứ Hai tới là ngày nghỉ lễ, các chủ tài khoản tại nước này sẽ khó có thể tiếp cận một cách đầy đủ các khoản tiền gửi của mình trước ngày thứ Ba.

Thanh Tùng
Theo AFP, Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm