Dân công sở, làm đặc sản tại gia kiếm tiền Tết
Hơn một tuần nay, cứ tan giờ công sở là chị Lê Tuyết Mai ở ngõ 20 Hồ Tùng Mậu (Cầu Giấy, Hà Nội) lại đảo qua chợ để mua thêm nguyên liệu về làm mứt Tết. Chị chỉ là một trong những người vừa đi làm, vừa tất tả làm hàng Tết kiếm thêm.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
"Năm trước, tôi chỉ làm mứt để gia đình ăn và đem đi biếu họ hàng. Năm nay, thấy các chị em ở cơ quan ngỏ ý muốn đặt hàng nên tôi mạnh dạn mua thêm nguyên liệu làm mứt kiếm thêm", chị Mai nói.
Theo lời chị Mai, mứt làm ra chủ yếu bán cho người quen nên các nguyên liệu được chị chọn lựa rất kỹ. Còn khâu chế biến luôn được đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: không phẩm màu, không đường hóa học cũng như không chất bảo quản. Theo đó, giá mứt của chị thường cao hơn gần gấp đôi so với giá ngoài chợ.
"Thế nhưng làm ra bao nhiêu tôi bán hết bây nhiêu. Đặc biệt, loại mứt bưởi tôi mới làm thử trong dịp này còn cháy hàng. Nhiều người đặt mua cả 5-6 kg mà tôi chưa làm được".
Mứt bán được giá cao nhưng tiền lãi mỗi kg bán ra không nhiều vì chị làm thủ công. Song, nhờ vào các đơn đặt hàng dày đặc mà dịp này chị cũng kiếm thêm được đồng ra đồng vào để tiêu Tết, chị Mai cho hay.
Tương tự, chị Đào Huyền Trâm ở Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đang tất bật ghi chép đơn đặt hàng để tan giờ làm việc còn kịp chạy xe ra chợ mua nguyên liệu về muối kim chi kịp giao cho khách theo lịch đã hẹn trước.
"Đang trong lúc chưa biết làm việc gì để có tiền chi tiêu Tết, một đứa em cùng phòng đến đưa tiền và nhờ tôi làm hộ vài hộp kim chi. Thế là tôi nảy ra ý tưởng muối kim chi để bán dịp Tết", chị nói.
Chị Trâm cho hay, hơn một tháng nay, chị bắt đầu muối kim chi bán theo các đơn đặt hàng. Mỗi kg kim chi chị bán 60.000 đồng. Khách đặt hàng muốn lấy kim chi ngay cũng phải sau ba ngày, tính từ thời điểm đặt vì kim chi muốn ngon, khi làm cần phải tuân thủ đúng và đủ các bước. Đơn cử như, ngoài chọn nguyên liệu cải thảo, hành lá, củ cải, bột ớt, bột đao được chọn lựa kỹ, các công đoạn sơ chế và muối kim chi cũng mất nhiều thời gian: rửa, ngâm nước muối mất 12 giờ, muối kim chi và phơi nắng tạo độ chua cho kim chi mất một ngày.
"Theo nhận xét của khách hàng, kim chi của tôi muối ăn có vị rất giống kim chi nhập từ Hàn Quốc. Tuy nhiên, giá tôi bán lại rẻ hơn rất nhiều", chị chia sẻ. Hiện số đơn đặt hàng mua kim chi mà chị Trâm nhận được ngày càng nhiều, thậm chí có khách đặt cả chục kg về để tủ lạnh ăn dần. Và để kịp hàng giao cho khách, nhiều hôm chị Trâm còn phải thức đến tận 1-2 giờ sáng muối kim chi.
Được biết, ngoài muối kim chi bán, đợt này chị Trâm còn tranh thủ muối thêm dưa hành bán nếu có khách đặt hàng.
Dịp này, để tranh thủ kiếm thêm ít tiền chi tiêu Tết, vợ chồng anh Hồ Văn Sỹ ở Nguyễn Công Hoan (Đống Đa, Hà Nội) cũng lên kế hoạch làm món giò xào bán Tết khi công việc văn phòng của hai vợ chồng khá rảnh.
Anh Sỹ chia sẻ, gần Tết năm nào hai vợ chồng cũng chuẩn bị nguyên liệu gói giò xào để gia đình dùng và biếu bạn hè thân quen của hai vợ chồng ăn Tết. Tết năm nay, bạn bè quen biết í ới gọi điện đặt vợ chồng anh làm từ rất sớm nên vợ chồng anh tiện thể làm bán luôn.
"Thực ra, bí quyết làm giò ngon cũng không có gì, nguyên liệu chỉ như ngoài hàng quán giò chả làm. Tuy nhiên, mình làm bán cho người quen nên mình chọn các loại thịt ngon chứ không không gom thịt vụn, thịt ôi thiu nên chất lượng của giò xào luôn đảm bảo", anh cho hay.
Theo anh Sỹ, hầu hết mọi người đều lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm ngày Tết nên người tiêu dùng thường tin tưởng vào những món ăn do ngươi quen tự làm. Ngay cả với gia đình anh, những thứ không tự làm được anh chị cũng tìm mua của người quen mặc dù giá cao hơn nhưng hàng bao giờ cũng đảm bảo chất lượng.
Theo Bảo Hân