Đạm Phú Mỹ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào phút chót

(Dân trí) - Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu Khí - đơn vị vận hành Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã phải xin điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2016.

Đạm Phú Mỹ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào phút chót.
Đạm Phú Mỹ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vào phút chót.

Ngày 30/12, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu Khí - CTCP (mã DPM ) đã có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM về việc điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016.

Theo đó, Đạm Phú Mỹ quyết định điều chỉnh giảm chỉ tiêu tổng doanh thu cả năm từ 9.105 tỷ đồng xuống còn 7.890 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 13,4%. Chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế cũng điều chỉnh giảm từ 1.467 tỷ đồng xuống còn 1.392 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.228 tỷ đồng xuống còn 1.140 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 18%.

Đối với công ty mẹ, chỉ tiêu doanh thu cũng giảm xuống 6.933 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế còn 1.080 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu khác của kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016 vẫn giữ nguyên như đã thông qua tại Nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2016.

Theo báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm, Đạm Phú Mỹ ghi nhận 209,73 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 3, giảm một nửa so với cùng kỳ 2015. Trong đó, phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 203,46 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu như doanh thu đạt 6.247 tỷ đồng – giảm 16%, lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.009 tỷ đồng – giảm 16% so với cùng kỳ 2015. Năm 2016, Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch lãi sau thuế 1.228 tỷ đồng và với kết quả thực hiện trong 9 tháng, Đạm Phú Mỹ hoàn thành khoảng 82% chỉ tiêu đề ra trước đó.

Nguyên nhân được giới phân tích chỉ ra rằng do giá bán phân đạm giảm và sản lượng tiêu thụ gần như không đổi mặc dù giá khí đầu vào cũng giảm.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2016, DPM đã bán được khoảng 627.000 tấn đạm tự sản xuất, tương đương mức tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm 2015 là 628.000 tấn với giá bán bình quân là khoảng 6.200 đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ.

Giá bán bình quân thấp hơn 17,5% so với cùng kỳ. Mặt bằng giá đạm ure thế giới yếu cộng với tình trạng dư cung trong nước và sự suy giảm về cầu do hạn hán nghiêm trọng tại Đồng bằng Sông Cửu Long là các yếu tố tác động giảm mạnh giá bán bình quân của DPM.

Phương Dung