Đảm bảo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm trong dịp Tết

(Dân trí) - Các sản phẩm chăn nuôi từ gia súc, gia cầm sẽ đảm bảo đủ để phục vụ cho thị trường dịp Tết Nguyên đán 2014. Nguồn cung một số sản phẩm như trứng, thịt gia cầm… có dấu hiệu cung vượt cầu trong thời gian trước Tết Nguyên đán.

Đó là thông tin do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) công bố tại cuộc họp tổng kết công tác điều hành năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 tổ chức sáng 7/1, tại Hà Nội.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong những tháng đầu năm 2013 nhưng từ tháng 7/2013 đến nay sản xuất chăn nuôi đang được hồi phục. Sự hồi phục này đang được sự hỗ trợ bền vững bởi thị trường tiêu thụ thuận lợi và giá bán các sản phẩm có xu hướng tăng.

Đảm bảo nguồn cung thực phẩm thịt gia súc, gia cầm trong dịp Tết (Ảnh minh họa)
Đảm bảo nguồn cung thực phẩm thịt gia súc, gia cầm trong dịp Tết (Ảnh minh họa)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Thị trường bất động sản: Vẫn chưa thấy... “mùa xuân"

Kiện lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông “bó tay”

Theo ước tính, tổng sản lượng thịt hơi các loại năm 2013 ước đạt 4,3 triệu tấn, tăng 1,49% so với năm 2012. Trong số đó, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,2 triệu tấn, tăng 1,8%; sản lượng thịt gia cầm hơi giết bán đạt 746.900 tấn, tăng 2,4%; sản lượng thịt trâu hơi đạt 85.300 tấn, giảm 3,5%; thịt bò hơi đạt 285.400 tấn, giảm 2,9% so với năm 2012.

Theo ông Vân, trong năm qua, chăn nuôi là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn 6 tháng đầu năm do giá bán sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm, giá các loại thức ăn biến động mạnh, luôn ở mức cao và áp lực cạnh tranh của hàng nhập lậu nên hàng tồn kho lớn. Do đó, doanh nghiệp và người chăn nuôi bị thua lỗ, giảm đầu tư. 

Hơn nữa, việc kiểm soát thực phẩm nhập khẩu giá rẻ và gia cầm, gia súc sống nhập lậu qua biên giới còn nhiều khó khăn, bất cập.  Mức độ canh tranh sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước với sản phẩm cùng loại (đặc biệt là thịt nhập khẩu) ngày càng khốc liệt hơn khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến vào đầu năm 2014 và Hiệp định AFTA vào năm 2015, ông Vân cho biết.

Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng cho rằng, tham gia TPP, ngành chăn nuôi sẽ bị tổn thương đầu tiên, đặc biệt đối với các sản phẩm thịt bò và gia cầm.

 “Giá một số sản phẩm thịt trong nước vẫn còn ở mức cao so với mức giá của thị trường thế giới. Nếu chúng ta không chuẩn bị thích nghi và điều hành chính sách phát triển thì sẽ bị thua ngay trên sân nhà,” Thứ Trưởng Vũ Văn Tám nói.

Thảo Nguyên

 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước