1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Đại suy thoái toàn cầu "treo lơ lửng": Cách nào DN Việt tự cứu mình?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Trong báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2021, nhóm nghiên cứu Vietnam Report và cộng sự đã đưa ra một số điểm doanh nghiệp cần lưu ý khi nền kinh tế có nhiều biến động như hiện nay.

Đại suy thoái toàn cầu treo lơ lửng: Cách nào DN Việt tự cứu mình? - 1

Dự báo năm 2021, nhóm nghiên cứu Vietnam Report cho rằng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước phục hồi.

Theo nhóm nghiên cứu Vietnam Report, thế giới đã đi qua năm 2020 với đà suy giảm kinh tế tại tất cả các quốc gia do hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19.

Hiện nay, đại dịch vẫn đang bùng phát nghiêm trọng nên nguy cơ diễn ra một cuộc đại suy thoái toàn cầu còn "treo lơ lửng" bất chấp việc gần đầy đã xuất hiện vắc xin điều trị giúp ngăn chặn loại virus nguy hiểm này.

Tuy nhiên theo Vietnam Report, hầu hết các tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi trong năm 2021.

Riêng tại Việt Nam, mặc dù có sự giảm tốc đáng kể nhưng nền kinh tế Việt Nam đã đạt được "kỳ tích" trong bối cảnh suy thoái đang ngày càng lan rộng ra toàn cầu.

Cụ thể, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn đạt mức 2,91% so với cùng kỳ năm 2019 và nằm trong 4 nền kinh tế thế giới có được sự tăng trưởng về chỉ tiêu GDP bình quân đầu người, bao gồm Việt Nam, Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc.

Dự báo năm 2021, nhóm nghiên cứu Vietnam Report cho rằng nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có bước phục hồi. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 vẫn tiếp tục "đe dọa" nền kinh tế hiện nay, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số ưu ý cho cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2021.

Thứ nhất, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng, lại an toàn sự tái phân bổ dòng vốn đầu tư trên thế giới, đặc biệt khi xu hướng chuyển dịch nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam của các tập đoàn vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên theo Vietnam Report, đây chỉ mới là tín hiệu và kỳ vọng về làn sóng sẽ ngày càng lớn trong những năm tới.

Bài viết trên báo Wall Street Journal đã đúc kết đánh giá về những điểm yếu khi chọn Việt Nam. Trong đó việc hình thành các cụm công nghiệp mới sẽ không diễn ra một sớm một chiều. Mặc dù Việt Nam cung cấp lao động giá rẻ, nhưng rõ ràng quy mô dân số 100 triệu người vẫn rất nhỏ so với quy mô 1,3 tỷ người của Trung Quốc. Chưa kể, một số tuyến được và cảng của nền kinh tế bị tắc nghẽn...

"Các doanh nghiệp cần có ngay các giải pháp chuyển đổi, cải cách mạnh mẽ hơn để giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh phục hồi nhanh hơn trong ngắn hạn và hướng đến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong trung hạn", nhóm nghiên cứu lưu ý.

Thứ hai theo nhóm nghiên cứu, không phải tất cả các chỉ số liên quan đến các cân thương mại đều có "màu hồng". Một số mặt hàng quan trọng như chất dẻo, ô tô, sắt thép, xăng dầu và dệt may đang chứng kiến sự suy giảm về giá trị xuất khẩu, điều này cho thấy Covid-19 đã làm "tổn thương" một số ngành xuất khẩu quan trọng của nền kinh tế.

Cũng theo Vietnam Report, cộng đồng doanh nghiệp cần chú trọng đến nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Do dịch bệnh bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã gặp khó khăn, buộc phải thu hẹp hoặc tạm ngừng kinh doanh. Điều này cho thấy, một bộ phận trong cộng đồng doanh nghiệp còn thiếu các chiến lược phát triển linh hoạt để có thể thích ứng với những biến động.

Để thực hiện được mục tiêu kép của năm 2021 khi vừa tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế, ngay lúc này, doanh nghiệp cần có định hướng cho sự phát triển trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, Vietnam Report nhấn mạnh.

Theo tổ chức này, muốn vượt lên và khởi động chu kỳ phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực tìm kiếm, phát triển các cơ hội để nắm bắt trong việc điều chỉnh, xây dựng chiến lược nhằm xác định mục tiêu cụ thể, xây dựng phương hướng giải pháp để phát triển thành công trong 2021 cũng như các năm tiếp theo.

Vietnam Report trích lời GS. TS. Trần Thọ Đạt, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng: "Từ những gì đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng, chúng ta càng thấy tầm quan trọng của việc hướng tới một nền kinh tế bền vững dựa trên các trụ cột thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội.

Phát triển bền vững không còn là lựa chọn mà là xu thế tất yếu của các quốc gia hiện nay và phải giải quyết hài hòa, cân bằng giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường".

Đề hồi phục nhanh tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cũng đưa ra một số gợi ý:

- Tiếp tục các gói hỗ trợ kinh tế

- Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

- Giúp khu vực tư nhân vực dậy sản xuất kinh doanh

- Tập trung khai thác thị trường trong nước và khai thác và phát triển thị trường bên ngoài

- Quảng bá tiêu dùng các mặt hàng sản xuất nội địa, giảm nhập khẩu các mặt hàng có thể tự sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm.