Đài Loan, Mỹ ồ ạt nhập ớt từ Việt Nam

Minh Huyền

(Dân trí) - Trong 7 tháng, xuất khẩu ớt sang Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ tăng lần lượt 640% và 157,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong 7 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu 8.023 tấn ớt, tăng 3,5% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, thị trường châu Á tiếp tục đóng vai trò chủ đạo với 7.727 tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu ớt lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng, đạt 6.834 tấn, chiếm 85,2% tổng sản lượng xuất khẩu. So với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xuất khẩu 7 tháng qua sang Trung Quốc giảm 1,9%. Lào xếp vị trí thứ 2 với 810 tấn, chiếm 10% và tăng 44,6% so cùng kỳ.

Đáng chú ý, trong 7 tháng qua đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh tại một số thị trường xuất khẩu ớt của Việt Nam. Cụ thể, Đài Loan (Trung Quốc) từ mức 5 tấn của cùng kỳ năm 2023 lên 37 tấn, tăng tới 640%.

Senegal ghi nhận mức tăng 300%, với sản lượng đạt 8 tấn, Mỹ cũng nhập khẩu 134 tấn ớt Việt trong 7 tháng qua, tăng 157,7% so cùng kỳ năm trước.

Đài Loan, Mỹ ồ ạt nhập ớt từ Việt Nam - 1

Tổng diện tích trồng ớt trên cả nước đạt khoảng 68.100ha (Ảnh: Công Bính).

Theo số liệu từ VPA, ớt được trồng nhiều nhất tại các địa phương như Quỳnh Phụ (Thái Bình), Đại Lộc (Quảng Nam), Phù Mỹ, Phù Cát (Bình Định), Bố Trạch (Quảng Bình), Châu Đốc (An Giang), Thanh Bình (Đồng Tháp), Tiền Giang, Long An… với tổng diện tích khoảng 68.100ha, sản lượng ớt khô hàng năm khoảng 100.000 tấn.

Riêng tại Đồng Tháp, diện tích vùng sản xuất ớt năm 2023 đạt 3.284ha, sản lượng trung bình hàng năm khoảng 60.000 tấn với năng suất bình quân 18-19 tấn/ha. Từ đầu năm đến tháng 6, diện tích đạt 2.503ha sản lượng trên 44.000 tấn.

Trên thế giới, Ấn Độ là nước sản xuất và xuất khẩu ớt khô hàng đầu thế giới, tiếp theo là Việt Nam, Trung Quốc và Indonesia.