Đại gia Việt: Người mất quyền cổ đông, kẻ cuối đời bị siết nợ nghìn tỷ

(Dân trí) - Đời sống cá nhân của nhiều đại gia Việt Nam là thông tin đáng chú ý nhất tuần qua.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo mất quyền cổ đông Trung Nguyên

Ngày 13/1/2020, ông Đặng Lê Nguyên Vũ - nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên đã nộp số tiền 1.190,7 tỷ đồng tại Cục Thi hành án dân sự TPHCM. Và như vậy, ông Vũ đã thi hành xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Đại gia Việt: Người mất quyền cổ đông, kẻ cuối đời bị siết nợ nghìn tỷ - 1

Trên cơ sở này, phía Trung Nguyên khẳng định, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã thực hiện xong nghĩa vụ thanh toán chênh lệch cho bà Thảo và đã chính thức sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên.

Trung Nguyên cũng đã hoàn thành văn bản, thủ tục tại sở kế hoạch và đầu tư tại các tỉnh thành để thông báo thay đổi thông tin cổ đông theo quyết định của Tòa án. 

Đáng chú ý, theo khẳng định của Trung Nguyên, danh sách cổ đông mới tại các công ty thuộc tập đoàn này hoàn toàn không còn tên bà Lê Hoàng Diệp Thảo với tư cách là cổ đông.

Đại gia ô tô Việt Nam phá sản, cuối đời bị siết nợ gần 1.500 tỷ đồng

Ngân hàng BIDV vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là khoản nợ của Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên. Tính đến giữa tháng 9/2019, tổng dư nợ gốc và lãi của ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki là 1.265 tỷ đồng.

Khoản nợ trên có tài sản bảo đảm gồm một lô đất và tài sản gắn liền tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội) với tổng diện tích 138.814 m2. Cùng với đó là máy móc thiết bị tại nhà máy Vinaxuki Mê Linh, quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại xã Đắk Drông, huyện Cư Jút (Đắk Nông); tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên (Thái Nguyên).

Đại gia Việt: Người mất quyền cổ đông, kẻ cuối đời bị siết nợ nghìn tỷ - 2

Ngoài ra, đầu năm 2019, Vietcombank cũng khởi kiện Công ty TNHH MTV Ô tô Vinaxuki Thanh Hóa tại TAND huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ngân hàng này yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với số tiền là gần 188 tỷ đồng.

Trong đó bao gồm: nợ gốc xấp xỉ 98 tỷ; nợ lãi trong hạn hơn 78 tỷ; nợ lãi quá hạn gần 11,7 tỷ đồng (tính đến 10/4/2019). Đồng thời, buộc Vinaxuki tiếp tục thanh toán lãi phát sinh cho đến khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ; xử lý các tài sản bảo đảm theo các hợp đồng thế chấp đã ký kết.

Đại gia Nhượng Tống trở lại

YEG của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 có 4 phiên tăng trần liên tiếp từ 11 - 14/2. Cổ phiếu Yeah1 tăng giá mạnh sau khi tập đoàn của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống thông qua nghị quyết về việc phê duyệt dự án xây dựng nền tảng cho người nổi tiếng. Trong đó, thành lập các công ty gồm: Công ty cổ phần Your Entertainment Platform (YEP) với vốn gần 14 tỷ đồng, Yeah1 sở hữu 99,98% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Siêu sao Yeah1 (YSS) với vốn điều lệ 14 tỷ đồng, Yeah1 sở hữu 50,98%.

Trước đó, Hội đồng quản trị Yeah1 đã thông qua chủ trương thành lập liên doanh tại Việt Nam với một đối tác Hàn Quốc để phát triển nền tảng cho người nổi tiếng có vốn điều lệ 600.000 USD, Yeah1 đóng góp bằng tiền và sở hữu 51% cổ phần.

Bên cạnh những động thái nhằm xốc lại kinh doanh nói trên, Yeah1 cũng liên tục tìm kiếm và phát triển những mảng kinh doanh mới như phát hành trò chơi trên nền tảng di động với việc đầu tư vào Giải trí 100 Độ (100D), thành lập công ty con mới với tên gọi Appnews thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin hay đầu tư vào Appfast - nền tảng giúp cho các nhà phát hành sở hữu ứng dụng điện thoại riêng đơn giản…

Các bước đi này được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đưa Yeah1 dần bước ra khỏi khó khăn do “vũng lầy” rắc rối với YouTube.

Thế Hưng