1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Đại gia trọng thương, chứng khoán ngã bệnh

Dù có nhiều dự báo tốt đẹp về kinh tế đã được đưa ra nhưng dường như những khó khăn và niềm tin đối với DN đang diễn biến xấu hơn suy tính. Cổ phiếu vẫn bị bán tháo ở mức giá sàn khiến cho chứng khoán cuối năm điêu đứng.

Bán tháo

Sáng 28/11, thị trường chứng khoán (TTCK) tập trung diễn biến khá bất thường khi một lượng lớn cổ phiếu được bán tháo ở mức giá sàn thông qua hình thức thỏa thuận. Tính tới cuối buổi sáng, đã có tổng cộng 20 mã bị bán ở mức giá sàn với khối lượng rất lớn.

Hàng loạt mã cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS), chứng khoán, tài chính, điện lực... như OGC, KBC, HAG, SCR, REE, SSI, PVF, HCM, VSH, PPC... được thỏa thuận từ vài chục, vài trăm ngàn cho tới cả triệu cổ phiếu ở mức giá thấp nhất cho phép trong ngày (giảm 5-7%).

Tổng khối lượng giao dịch thỏa thuận trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) lên tới 8,6 triệu đơn vị, tương đương trên 80% khối lượng cổ phiếu giao dịch qua hình thức khớp lệnh. Trong đó, 2 mã SSI của Chứng khoán Sài Gòn và HCM của Chứng khoán TP.HCM lên tới gần 1 triệu đơn vị/mã.

Diễn biến thỏa thuận ở mức giá thấp vào những phút cuối giao dịch buổi sáng đã khiến nhiều 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index nhanh chóng giảm theo. Cả 2 chỉ số này đang ở mức rất thấp trong nhiều năm qua, trong đó HNX-Index đang ở vùng thấp kỷ lục mọi thời đại.

Sau nhiều tuần lễ giao dịch rớt xuống mức thảm hại vài trăm tỷ đồng/ngày mà được nhiều người giải thích là giá cổ phiếu đã quá thấp do vậy ít người bán và thị trường đã sắp chạm đáy, thì những lệnh bán thỏa thuận giá thấp có biểu hiện của bán tháo lại đang khiến nhiều người không hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Tính chung, nhiều mã đã giảm từ 50% cho tới 3-4 lần trong vòng hơn 6 tháng vừa qua như KBC giảm gần 4 lần, SCR giảm 3 lần, OGC giảm 2,2 lần, SJS giảm 2,3 lần, HAG giảm 1,6 lần, SSI giảm 1,6 lần, HCM giảm 1,4 lần...

Đại gia trọng thương, chứng khoán ngã bệnh
 
Đây là một diễn biến trái chiều các chuyên gia kinh tế và cơ quan quản lý dự báo kinh tế năm 2013 sẽ sáng sủa hơn nhờ tăng trưởng xuất khẩu cao, lạm phát ổn định hơn, lãi suất đang giảm dần, tồn kho bớt nhức nhối...

Thậm chí, các dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước đều cho rằng, lãi suất có thể sẽ giảm thêm 1-2% trong ngắn hạn, lạm phát không có biến động mạnh trong vòng 6-8 tháng tới. Hệ thống ngân hàng - một trong những nỗi lo của giới đầu tư - được cho rằng đã qua giai đoạn khó khăn nhất và thanh khoản đang khá dồi dào.

Trên thị trường BĐS, các chính sách về giải cứu đang dồn dập được đề xuất và gần đây nhất Thành ủy TP.HCM khẳng định trong năm 2013 chính quyền thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp BĐS tháo gỡ khó khăn tình trạng tồn kho đặc biệt khu vực nhà thấp tầng và chung cư bỏ trống.

Với những thông tin và dự báo tích cực, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nhiều khả năng TTCK sẽ có một đợt sóng lên và trước mỗi một đợt sóng như vậy rất có thể có sức ép "đánh xuống". Tuy nhiên, không ít người tỏ ra bi quan về thị trường và tình hình hoạt động của các DN niêm yết, nhất là mảng BĐS, ngân hàng và sau đó là tài chính, chứng khoán.

Đại gia trọng thương

Không thể phủ nhận một điều là trong bối cảnh hầu hết các kênh đầu tư đều đang kém hấp dẫn như BĐS đóng băng, vàng không được khuyến khích, lãi suất gửi ngân hàng giảm dần... thì chứng khoán vẫn đang được chú ý.

Với mức giá "bèo" của đại đa số các cổ phiếu hiện tại, lợi nhuận đầu tư cổ phiếu có thể "tính bằng lần" nếu các DN niêm yết hồi phục, tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, thực tế diễn biến trên sàn cho thấy, dòng tiền vẫn chưa lựa chọn vào kênh đầu tư này. Các DN niêm yết vẫn đang chìm ngập trong khó khăn.

Điểm mặt 20 mã cổ phiếu "đại gia" được bán thỏa thuận giá sàn sáng 28/11, có thể thấy, không ít DN thua lỗ trong các quý đầu năm. Và điều đáng nói là nợ nần cũng như hướng thoát khỏi tình trạng mất cân đối tài chính nặng nề của các DN này vẫn rất tối tăm.

Trường hợp cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc là một ví dụ. DN này chỉ lãi vỏn vẹn 18,6 tỷ đồng trong quý I/2012, nhưng lại lỗ tới 120 tỷ đồng trong quý II và lỗ hơn 132 tỷ đồng trong quý III.

Tuy nhiên, lỗ chưa phải là điều đáng sợ nhất. Tính đến cuối quý III/2012, KBC có tổng nợ là 6.688 tỷ đồng (trong đó nợ ngắn hạn 2.553 tỷ đồng), cao hơn vốn chủ sở hữu (4.180 tỷ đồng). Trong 3 quý vừa qua, nợ ngăn hạn và tổng nợ của KBC có xu hướng tăng lên, trong khi vốn chủ sở hữu lại đang giảm xuống.

Khá nhiều DN khác có tình trạng kinh doanh khốn khó giống KBC như HAG (tổng nợ gần gấp đôi vốn chủ sở hữu, gấp hơn 3 lần vốn điều lệ); SCR (nợ gấp gần đôi vốn chủ sở hữu, lợi nhuận thấp); OGC (nợ ngắn hạn gần bằng VCSH, lợi nhuận thấp, doanh thu thấp); SSI (lợi nhuận đang giảm mạnh)...

Không chỉ các DN nói trên, rất nhiều DN từ lớn tới nhỏ khác vẫn đang rất khó khăn, thậm chí nhiều DN ngấp nghé bờ vực phá sản và bị hủy niêm yết do lỗ nhiều, nợ lớn, nợ ngắn hạn có trường hợp cao hơn tài sản ngắn hạn như: THV, SHN, STL, DTC, VSG, DCT, TLT, VES, LAF, SBS...

Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn lo ngại với một số mã BĐS, ngân hàng, tài chính vốn nổi tiếng lớn và vững chắc với nghi ngờ về tình hình tài chính ảo, về hiện tượng cổ đông lớn thoái vốn, tình trạng tồn kho, dự án tràn lan...

Theo họ, nhiều mã cổ phiếu vẫn còn "quá cao", còn "bong bóng" và hiện tượng thanh khoản thấp liên tục trong nhiều tháng qua không phải vì không ai muốn bán, mà có thể là vì không còn tiền để mua hoặc không còn nhiều người muốn tham gia.

Giá cổ phiếu vẫn còn cao, hay đã quá thấp, quá rẻ, quá hấp dẫn, có lẽ cũng chỉ họ mới có thể đánh giá được chính xác nhất. Còn những thỏa thuận bất thường trong thời gian gần đây đối với một số mã, và trên diện rộng với vài chục mã như sáng 28/11 chỉ có Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) là người nắm rõ. Các nhà đầu tư, đặc biệt nhỏ lẻ không theo sát thị trường thiệt hại là không tránh khỏi.
 
Theo Mạnh Hà
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm