Phá lệ 10 năm: Nữ đại gia mất 250 tỷ đồng lo vụ lớn ngàn tỷ
Vợ chồng ông Lê Văn Quang-Chu Thị Bình lần đầu tiên phá lệ trong hơn 1 thập kỷ để lo vụ lớn ngàn tỷ và hướng tới giấc mơ tỷ USD đã đề ra từ trước đó.
CTCP Tập đoàn Minh Phú (MPC) của vợ chồng ông Lê Văn Quang - bà Chu Thị Bình vừa thông qua Nghị quyết HĐQT về việc không hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty. Theo đó HĐQT cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tối đa 100% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Cũng trong tháng 6, Thủy sản Minh Phú của vợ chồng đại gia giàu có bậc nhất miền Tây đã chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 68,46 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 1:1) tăng vốn điều lệ lên gấp đôi từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Việc phát hành cổ phiếu thưởng nằm trong chiến lược tăng vốn lên gấp 3 lần hiện nay lên 2.000 tỷ đồng của Minh Phú để dọn đường cho việc quay trở lại sàn niêm yết HOSE sau hơn 2 năm hủy niêm yết tự nguyện. Kế hoạch này đã được ĐHCĐ thường niên năm 2018 thông qua.
Ngoài việc phát hành cổ phiếu thưởng, Minh Phú sẽ phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư. Việc mở room ngoại lên 100% là bước đệm để đón thêm các nhà đầu tư mới. MPC cũng phát hành 1,53 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ chủ chốt.
Đây là lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ qua, vợ chồng Chủ tịch MPC Lê Văn Quang chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu tại Minh Phú để nâng cao sức mạnh tài chính và bổ sung nguồn vốn hoạt động cho doanh nghiệp.
Những quyết định gần đây của vợ chồng “vua tôm” Lê Văn Quang - Chu Thị Bình - đối thủ “người tình tin đồn Mỹ Tâm” Dương Ngọc Minh nằm trong kế hoạch phát triển MPC trở thành doanh nghiệp thủy sản số 1 Việt Nam và để thực hiện giấc mơ doanh thu thủy sản tỷ USD vốn đã được đề ra từ cách đây 5-6 năm.
Trước đó, cách đây hơn 3 năm, hồi cuối tháng 3/2017, Thủy sản Minh Phú đã chính thức hủy niêm yết tự nguyện tại Sở GDCK TP.HCM (HOSE) với mức giá đóng cửa khi đó là 122.000 đồng/cổ phiếu.
MPC đã mua lại cổ phiếu của các cổ đông để rút niêm yết với mục tiêu là để dễ dàng tìm đối tác chiến lược và tái cơ cấu tập đoàn, đảm bảo nguồn vốn để phát triển trong bối cảnh việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài do bị vướng quy định room ngoại ở mức 49%.
Hiên tại, giới hạn room đã được gỡ bỏ và đây là lý do MPC quay trở lại sàn chứng khoán để huy động thêm vốn, tăng năng lực tài chính, giảm rủi ro, tránh phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài rời sàn, vốn điều lệ của MPC nhà vợ chồng ông Lê Văn Quang - Chu Thị Bình gần như không thay đổi, vẫn ở mức 700 tỷ đồng như cả thập kỷ qua. Kế hoạch tăng vốn lần này được đưa ra trong ĐHCĐ thường niên năm 2018 vừa qua và gắn liền với việc trở lại niêm yết trên HOSE.
MPC quay sàn niêm yết với mục tiêu xuất khẩu 800 triệu USD ngay trong năm 2018, so với mức 692 triệu USD năm 2017. Đây cũng là 1 phần trong kế hoạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD mà ông Lê Văn Quang đã đề cập tới từ vài năm trước đây.
Sau hơn 3 năm rời sàn, cổ phiếu MPC hiện có giá khoảng 40.000 đồng/cp (đã điều chỉnh), thấp hơn khá nhiều so với mức giá trước khi rời sàn.
Bà Chu Thị Bình, vợ ông Lê Văn Quang, gần đây dính vào vụ việc bị mất 245 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng Eximbank. Bà Bình hiện đang nắm giữ 17,47 triệu cổ phiếu của MPC, chiếm khoảng 24,96% vốn điều lệ của công ty, trị giá hơn 1,2 ngàn tỷ đồng.
Bà Chu Thị Bình hiện là phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó TGĐ Minh Phú.
Một nữ đại gia khác cũng thu hút được sự chú ý của dư luận là bà Nguyễn Thị Nga, chủ tịch Tập đoàn BRG. Bà Nga BRG vừa trở thành chủ tịch Công ty mẹ Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sau ĐHĐCĐ hôm 24/6. Bà Nga hiện còn là Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Chủ tịch CTCP Intimex Việt Nam.
Bà Nga trở thành chủ tịch Hapro sau khi 1 công ty liên quan tới chủ tịch Tập đoàn BRG tham gia mua toàn bộ 65% cổ phần Hapro với giá khoảng 1.800 tỷ đồng. Hapro là một doanh nghiệp thương mại lớn của Hà Nội nhưng làm ăn sa sút nhiều năm nhưng sở hữu cả trăm mảnh đất vàng trên khắp cả nước.
Trước cổ phần hóa, Hapro quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Theo phương án phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK) , nhiều doanh nghiệp gần đây tận dụng cơ hội thị trường sôi động trong năm 2017 và đầu 2018 để tăng vốn. PNJ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 2:1 để tăng vốn điều lệ lên mức 1.621 tỷ đồng. Thế giới di động phát hành gần 16 triệu cổ phiếu riêng lẻ và cổ phiếu ESOP…
Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, TTCK chịu áp lực giảm khá mạnh. Trong phiên cuối tuần qua (22/6), thị trường tăng trở lại nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng và sự tham gia mua ròng trở lại của khối ngoại. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, xây dựng cũng có tín hiệu hồi phục. Nhưng thanh khoản chung trên thị trường vẫn khá thấp.
Theo đánh giá của nhiều CTCK, TTCK đang diễn biến tích cực hơn và có thể tiếp tục xu hướng hồi phục nhưng xu hướng tăng điểm chưa rõ ràng.
BSC cho rằng, tâm lý thị trường đã có phần bớt lo ngại nhưng xu hướng tăng điểm mạnh vẫn chưa rõ ràng. BSC khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế việc sử dụng margin và có thể thử gia tăng cấu phần danh mục cho những mã cổ phiếu cơ bản tốt đã trở về mức giá hấp dẫn trong đợt điều chỉnh vừa rồi.
VPBS tiếp tục duy trì quan điểm cho rằng lực bán ngắn hạn đã cạn kiệt và khả năng thị trường sẽ tiếp tục hồi phục tốt hơn trong tuần mới.
Kết thúc phiên giao dịch 22/6, VN-index tăng 13,77 điểm lên 983,17 điểm; HNX-Index tăng 1,82 điểm lên 111,98 điểm. Upcom-Index tăng 0,02 điểm lên 51,81 điểm. Thanh khoản đạt 170 triệu cổ phần. Giá trị đạt gần 4,3 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà
VietnamNet