Đại gia khí đốt số 1 Việt Nam “bốc hơi” 600 triệu USD trong 1 ngày
(Dân trí) - Báo lãi hơn 9.000 tỷ đồng, chỉ trong 3 quý vừa qua, PV GAS đã vượt 41% kế hoạch lợi nhuận sau thuế đặt ra cho cả năm. Thế nhưng trên sàn chứng khoán, cổ phiếu GAS lại cắm đầu giảm sàn, thổi bay hơn 14.500 tỷ đồng vốn hóa trong ngày 24/10.
Với 199 mã giảm giá (11 mã giảm sàn) so với 92 mã tăng, chỉ số VN-Index ghi nhận một phiên sụt giảm mạnh trong ngày 24/10, mất 16,95 điểm tương ứng 1,8% còn 922,73 điểm. HNX-Index cũng mất 1,34 điểm tương ứng 1,27% còn 103,73 điểm khi có 92 mã chứng khoán trên sàn này mất giá và chỉ có 70 mã tăng.
Trong đợt giảm sâu, thanh khoản thị trường đã được cải thiện đáng kể so với phiên sáng, đạt 149,34 triệu cổ phiếu trên HSX tương ứng 3.542,37 tỷ đồng và 33,98 triệu cổ phiếu trên HNX tương ứng 476,82 tỷ đồng.
"Tội đồ" nhấn chìm VN-Index hôm nay phải kể đến GAS khi mã này giảm kịch sàn 7.600 đồng xuống còn 101.800 đồng/cổ phiếu, góp vào mức giảm chung của chỉ số 4,59 điểm. Phiên giảm này khiến “ông lớn” ngành khí mất 14.546 tỷ đồng vốn hoá.
Đây đã là phiên thứ 5 liên tiếp GAS không tăng điểm (trong đó có đến 4 phiên giảm mạnh) bất chấp báo cáo lợi nhuận tăng vọt trong quý III. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của PV GAS, “ông lớn” ngành khí đạt tới 18.426 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III, tăng 22% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng 66% lên 3.266 tỷ đồng.
Kết quả này có được là do giá dầu Brent bình quân quý 3/2018 đạt 75,3 USD/thùng, cao hơn 23,2 USD (45%) so với quý 3/2017 khiến giá bán các sản phẩm của công ty tăng theo tương ứng. Ngoài ra, sản lượng Condensate tiêu thụ cũng tăng 170% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ước tính của SSI Research, giá dầu Brent tăng 1 USD thì lợi nhuận trước thuế của PV GAS có thể tăng thêm 150 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PV GAS đạt doanh thu 56.613 tỷ đồng, tăng 19% so cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế tăng tới 50% lên 9.082 tỷ đồng. Với kết quả này, chỉ 3 quý đầu, GAS đã vượt 41% kế hoạch đặt ra cho cả năm (lãi sau thuế mục tiêu là 6.429 tỷ đồng).
Cùng với GAS, các cổ phiếu trong nhóm ngành dầu khí cũng sụt giá mạnh: PLX giảm 2.200 đồng, PVS giảm 1.800 đồng, PVD giảm sàn 1.200 đồng, PVB, PVC, PXS… đều mất giá. Ngoài ra, các “ông lớn” trên sàn HSX như BID, TCB, VHM, MSN… đồng loạt giảm giá cũng khiến tình hình thị trường trở nên tiêu cực hơn.
Tăng trần trong bối cảnh thị trường lao dốc, những mã nhỏ và vừa như ASM, IDI, HVG lại xuất hiện trong top những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực đến VN-Index. Ngoài ra, NVL, BVH, EIB, STB… cũng tăng giá trong phiên, tuy nhiên, tác động của các mã này lên chỉ số chung không đáng kể.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhà đầu tư đang có sự bi quan và lo sợ về khả năng tiếp tục sụt giảm sâu của thị trường trong ngắn hạn.
BVSC dự báo, trong phiên kế tiếp, thị trường nhiều khả năng giảm về vùng hỗ trợ 906-917 điểm. BVSC kỳ vọng thị trường sẽ có phản ứng hồi phục trở lại tại vùng hỗ trợ trên về cuối phiên.
Theo khuyến nghị của công ty này, tỷ trọng danh mục tổng nên được khống chế ở mức tối đa 15-20% cổ phiếu trong giai đoạn này. Đối với các tài khoản có tỷ trọng tiền mặt lớn, có thể thực hiện các hoạt động giao dịch với tỷ trọng thấp mang tính dò đáy nếu thị trường xuất hiện rung lắc mạnh trong các phiên tới.
Mai Chi