Đại gia buôn thép "mắc cạn" với Novaland và Xây dựng Hòa Bình

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Công ty SMC muốn quyết liệt xử lý khoản nợ xấu với Novaland trong năm nay và đã đồng ý hoán đổi công nợ sang cổ phiếu với Xây dựng Hòa Bình.

Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán: CMS) - doanh nghiệp chuyên gia công và kinh doanh thương mại thép - có phát sinh công nợ đối với Tập đoàn Novaland và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Tính đến cuối quý I, công ty có nợ xấu gần 1.310 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng hơn 573 tỷ đồng. Phần lớn nợ xấu đến từ các công ty bất động sản, trong đó có công ty liên quan tới Novaland (741 tỷ đồng).

Theo cập nhật gần nhất, SMC cho biết sẽ quyết liệt xử lý trong năm nay, có thể trước 30/6. Các phương án xử lý nợ bao gồm cả thu bằng tiền, hoán đổi cổ phiếu, nhận tài sản để cấn trừ công nợ.

SMC cũng phát sinh khoản nợ 105 tỷ đồng với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC). Hai bên đã ký thỏa thuận thực hiện việc hoán đổi công nợ sang cổ phiếu.

Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mới đây có công bố triển khai phương án phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ. Dự kiến, SMC sẽ được phân phối gần 10,48 triệu cổ phiếu HBC, tương đương tỷ lệ sở hữu hơn 3% sau đợt chào bán.

Năm 2023, SMC lỗ hợp nhất hơn 925 tỷ đồng, nối dài khoản lỗ từ năm trước. Kết quả không mong đợi này đã xô đổ thành quả tích lũy từ nhiều năm trước, khiến công ty lỗ lũy kế gần 169 tỷ đồng.

Đại gia buôn thép mắc cạn với Novaland và Xây dựng Hòa Bình - 1

SMC đang từng bước tháo gỡ khó khăn từ lợi nhuận âm do trích lập dự phòng từ doanh nghiệp bất động sản, xây lắp (Ảnh: SMC).

Công ty cho biết sự đóng băng của thị trường bất động sản kể từ giữa năm 2022 làm cho các doanh nghiệp địa ốc nói chung và các doanh nghiệp thi công xây lắp gặp khó khăn kéo dài, sụt giảm mạnh về doanh thu và dòng tiền. Các doanh nghiệp thép phải thu hẹp sản xuất, chật vật tìm đầu ra, giá bán liên tục đi xuống trong khi chi phí tăng mạnh.

Thêm vào đó, việc trích lập dự phòng các khoản phải thu từ các doanh nghiệp bất động sản, xây lắp cũng làm lợi nhuận 2 năm qua của SMC âm.

Cổ phiếu của SMC cũng đã rơi vào diện bị cảnh báo, kiểm soát. Công ty này dự kiến bám sát tình hình của ngành để vận hành hiệu quả, kỳ vọng 6 tháng cuối năm khắc phục được tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo.

Trong khi đó, Novaland và Xây dựng Hòa Bình trong 2 năm qua cũng nhiều khó khăn. Cả 2 doanh nghiệp đều đang thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giãn nợ, hoán đổi nợ... để giảm áp lực tài chính. 

Năm qua, Novaland đã giảm được khoảng 7.200 tỷ đồng nợ vay, thỏa thuận thống nhất phương án tái cấu trúc khoản nợ 300 triệu USD trái phiếu; thỏa thuận việc hoán đổi trái phiếu và giá trị công nợ bằng sản phẩm của tập đoàn với tổng giá trị thực hiện khoảng 2.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại ngày 31/3, nợ vay tài chính của Novaland vẫn còn hơn 58.232 tỷ đồng, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu. Dư nợ trái phiếu gần như không đổi, vẫn khoảng 38.500 tỷ đồng. Tập đoàn cũng lỗ 567 tỷ đồng trong quý đầu năm - con số lỗ lớn nhất theo quý từ trước đến nay.

Với Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, đến cuối tháng 3, công ty vẫn đang lỗ lũy kế 3.182 tỷ đồng. Nợ vay tài chính gần 4.500 tỷ đồng, gấp 30 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên điểm sáng là quý I, công ty đã lãi 57 tỷ đồng, chấm dứt 5 quý lỗ liên tiếp trước đó.