Đại gia bia ở Việt Nam: Nơi bị đồn bán cho Trung Quốc; nơi vướng bê bối "nghìn tỷ đồng"

(Dân trí) - Thông tin về hai đại gia ngành bia Heineken và Sabeco gây chú ý tuần qua. Nếu như Sabeco cho biết từng khốn khổ vì tin đồn thất thiệt bị bán cho Trung Quốc thì Heineken lại bị thanh tra thuế truy thu, phạt gần 1.000 tỷ đồng.

Coca-Cola, Heineken và hàng loạt ông lớn bị truy thu thuế hàng trăm đến gần 1.000 tỷ đồng

Đại gia bia ở Việt Nam: Nơi bị đồn bán cho Trung Quốc; nơi vướng bê bối nghìn tỷ đồng - 1

Coca-Cola, Heineken, ngân hàng Standard Chartered và một loạt ông lớn bị truy thu số thuế khủng cuối năm 2019

Thanh tra Tổng cục Thuế mới đây cho biết danh tính hàng loạt ông lớn có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam bị truy thu, xử phạt mức thuế khủng, trong đó lớn nhất là Coca-Cola, Heineken, Standard Chartered và Thiên Ngọc Minh Uy.

Cụ thể, cuối năm 2019, Vụ thanh tra, Tổng cục Thuế đã đưa ra kết quả hàng loạt vụ thanh tra điển hình, trong đó có thanh tra công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola, truy thu và phạt hơn 821,4 tỷ đồng, giảm khấu trừ 76,3 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 762,6 tỷ đồng.

Thanh tra công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam, truy thu và phạt hơn 917,2 tỷ đồng, đã đôn đốc nộp 100% vào ngân sách Nhà nước.

Thanh tra Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered, truy thu và phạt 19,05 tỷ đồng. Cục thuế TP HCM thanh tra chi nhánh Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, truy thu và phạt 43,41 tỷ đồng;  Công ty Dịch vụ vận tải Tâm Phát bị truy thu và phạt 20,8 tỷ đồng; Công ty Phú Hoàng Oanh bị truy thu và phạt 26,62 tỷ đồng; Công ty TNHH KONE Việt Nam bị truy thu và phạt 23 tỷ đồng. 

Heineken nói gì khi bị Tổng cục Thuế truy thu gần 1.000 tỷ đồng?

Người phát ngôn của Heineken châu Á - Thái Bình Dương (Heineken APAC) cho biết: “Heineken đã nộp đầy đủ khoản thuế theo yêu cầu của Tổng Cục ngay sau khi cơ quan Thuế tại Việt Nam đưa ra đánh giá và quyết định”.

“Tuy đã thực hiện nộp đầy đủ khoản thuế nói trên, Heineken APAC chưa đồng thuận với cơ sở đánh giá được đưa ra, và vì vậy đã tiến hành các thủ tục pháp lý theo các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai Chính phủ Việt Nam - Singapore để làm rõ quyết định của Tổng Cục”, thông cáo báo chí của phía Heineken cho biết. 

Theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Singapore, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp khác được quyền chọn nộp thuế ở Việt Nam hoặc Singapore. Thông thường, doanh nghiệp hay chọn nộp thuế ở nước có mức thuế phải nộp thấp hơn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Thanh tra Thuế, quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Singapore và Luật Dân sự nêu rất rõ trường hợp giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50% thì nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng nói trên phải thực hiện kê khai và nộp thuế ở nước sở tại (tức là tại Việt Nam). 

“Ông lớn” ngành bia khổ vì tin đồn đã bán cho công ty Trung Quốc

Đại gia bia ở Việt Nam: Nơi bị đồn bán cho Trung Quốc; nơi vướng bê bối nghìn tỷ đồng - 2

Tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp này năm qua là tin đồn thất thiệt

Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 14/1, ông Neo Gim Siong Bennett, Tổng giám đốc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp này năm qua là tin đồn thất thiệt.

Ông này lấy dẫn chứng việc lan truyền thông tin Sabeco đã bán cho nhà đầu tư Trung Quốc gây ảnh hưởng tiêu cực cho công ty.

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, trước đó, Công ty CP thương mại Bia Sài Gòn Tây Nguyên đã có đơn trình bày về việc 2 đối tượng sử dụng mạng xã hội để đưa tin đồn giả mạo việc Bia Sài Gòn đã bán cho người Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Qua điều tra xác minh, Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã xác định hai cá nhân sử dụng mạng xã hội, đăng tải thông tin giả mạo liên quan đến bia Sài Gòn.

Đối tượng thứ nhất là Đoàn Quốc Việt (SN 1987), nhân viên thị trường của Công ty bia Heineken Việt Nam. Quá trình điều tra: Việt khai nhận tháng 9/2019 có đọc trên mạng thông tin cho rằng công ty Bia Sài Gòn đã bán cổ phần cho Trung Quốc và Việt đã chia sẻ những hình ảnh liên quan lên trang cá nhân.

Người thứ hai là Hà Thanh Bảo (SN 1989), là nhân viên tiếp thị của Công ty bia Heineken Việt Nam. Quá trình điều tra Bảo cũng khai đọc trên mạng xã hội thấy những hình ảnh cho rằng Công ty bia Sài Gòn đã bán cổ phần cho Trung Quốc nên tự ý đăng lên Facebook cá nhân.

Nghi bán giá thấp, tạm dừng xuất khẩu quặng sắt sang Trung Quốc

UBND tỉnh Lào Cai vừa có văn bản gửi Sở Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Cục Hải quan tỉnh, Công an tỉnh, Cục quản lý thị trường đề nghị tạm dừng việc xuất khẩu quặng sắt Quý Xa của Công Ty TNHH MTV xuất nhập khẩu nông sản An Bình.

Lý do được UBND tỉnh Lào Cai đưa ra là Công ty An Bình đang xuất khẩu quặng sắt với giá thấp hơn giá đề nghị mua của doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải, ban quản lý khu kinh tế, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, làm rõ việc Công ty An Bình đến nay (ngày 6/1) chưa được phê duyệt phương án vận chuyển quặng sắt nhưng đã vận chuyển quặng tập kết tại khu vực cửa khẩu và mở tờ khai xuất khẩu từ ngày 25/12/2019.

UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu xem xét trách nhiệm của doanh nghiệp và các cá nhân, đơn vị liên quan, đề xuất báo cáo UBND tỉnh.

Yêu cầu TGĐ từ Trung Quốc sang Việt Nam “gỡ rối” đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Đại gia bia ở Việt Nam: Nơi bị đồn bán cho Trung Quốc; nơi vướng bê bối nghìn tỷ đồng - 3

Tổng thầu Trung Quốc chưa xác định thời gian hoàn thành Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Toàn Vũ)

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hiện vẫn còn một số tồn tại về an toàn hệ thống Tổng thầu chưa hoàn thiện, các hạng mục chưa phù hợp với thông số kỹ thuật, các thiết bị chưa hoàn thiện theo hồ sơ thiết kế, trong khi đó khối lượng công việc tồn đọng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, Tổng thầu chưa xác định được thời gian vận hành chính thức dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “chỉ đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông khi đảm bảo an toàn tuyệt đối”, Thủ tướng cũng nhấn mạnh những sai phạm tại dự án phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn tin riêng của PV Dân trí cho biết, trước những trì trệ của dự án, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng Giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc phải sang Việt Nam làm việc và giải quyết dứt điểm những vấn đề của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Mai Chi (tổng hợp)