Heineken nói gì khi bị Tổng cục Thuế truy thu gần 1.000 tỷ đồng?

(Dân trí) - Mặc dù tuân thủ các quy định về nộp thuế, nộp số tiền phạt chậm nộp nghĩa vụ thế của Tổng cục Thuế đưa ra nhưng phía công ty Heineken cho biết, họ chưa đồng thuận với các cơ sở đánh giá được đưa ra từ phía cơ quan chức năng Việt Nam.

Phía công ty Heineken châu Á - Thái Bình Dương vừa có thông cáo báo chí về việc họ bị truy thu số tiền gần 1.000 tỷ đồng thuế chuyển nhượng và tiền chậm nộp sau khi có kết quả của Thanh tra Tổng cục Thuế cuối năm 2019.

Heineken nói gì khi bị Tổng cục Thuế truy thu gần 1.000 tỷ đồng? - 1

Heineken chưa đồng thuận với các cơ sở đánh giá của Tổng cục Thuế khi bị truy thu số tiền gần 1.000 tỷ đồng

Cụ thể, phản hồi ý kiến của Tổng Cục Thuế được trích dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên quan đến kết luận và quyết định của Tổng Cục về giao dịch chuyển nhượng vốn của Heineken Hà Nội, người phát ngôn của Heineken châu Á - Thái Bình Dương (Heineken APAC) cho biết: “Heineken đã nộp đầy đủ khoản thuế theo yêu cầu của Tổng Cục ngay sau khi cơ quan Thuế tại Việt Nam đưa ra đánh giá và quyết định".

"Tuy đã thực hiện nộp đầy đủ khoản thuế nói trên, Heineken APAC chưa đồng thuận với cơ sở đánh giá được đưa ra, và vì vậy đã tiến hành các thủ tục pháp lý theo các điều khoản của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa hai Chính phủ Việt Nam - Singapore để làm rõ quyết định của Tổng Cục”, Thông cáo báo chí của phía Heineken cho biết. 

"Heineken luôn cam kết tuân thủ sự liêm chính trong hoạt động kinh doanh, tôn trọng luật pháp và quy định tại những quốc gia nơi chúng tôi hoạt động”, Heineken APAC cho hay.

Trước đó như Dân Trí đưa tin, từ cuối năm 2018, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) có ký hợp đồng chuyển nhượng vốn 100% cổ phần tại Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam – Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Giá trị giao dịch này lên đến hơn 4.800 tỷ đồng.

Phía Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp (nộp thay) từ giá trị chuyển nhượng nói trên là hơn 823 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd đã có văn bản gửi Cục thuế TP.Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế này theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa 02 Chính phủ Việt Nam - Singapore.

Theo Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa 2 Chính phủ Việt Nam và Singapore, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp khác được quyền chọn nộp thuế ở Việt Nam hoặc Singapore. Thông thường, doanh nghiệp hay chọn nộp thuế ở nước có mức thuế phải nộp thấp hơn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vụ Thanh tra Thuế, quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Singapore và Luật Dân sự nêu rất rõ trường hợp giá trị bất động sản trên tổng tài sản chuyển nhượng cao hơn 50% thì nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng nói trên phải thực hiện kê khai và nộp thuế ở nước sở tại (tức là tại Việt Nam). 

Qua thanh tra, vụ thanh tra (Tổng cục thuế) kết luận, giá trị bất động sản trên tổng tài sản chiếm hơn 50%. Do đó, Heineken phải có nghĩa vụ nộp số thuế trên tại Việt Nam.

Từ thời điểm chuyển nhượng vốn nói trên đến khi cơ quan thanh tra Thuế vào làm việc, toàn bộ số thuế chưa được nộp vào ngân sách. 

Từ cuối tháng 12/2019, ngay sau khi Tổng cục thuế ban hành kết luận thanh tra, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực hiện kịp thời nộp 917,2 tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách, trong đó số thuế chuyển nhượng là gần 823 tỷ đồng và phần còn lại là tiền chậm nộp của doanh nghiệp.

Nguyễn Tuyền