Đại cổ đông “chặn đứng” tham vọng khiến “trùm xây dựng” mất nghìn tỷ
(Dân trí) - Tuần qua, câu nói “Không vì cổ đông, 3.000 nhân viên thì tôi đã tự tử" của mẹ Cường đôla đã gây xôn xao dư luận. Ngoài ra, thông tin về vụ một đại cổ đông phản đối kế hoạch khiến ông “trùm” xây dựng mất hơn 1.400 tỷ đồng cũng là thông tin thu hút được sự chú ý của bạn đọc.
“Ông trùm” sở hữu chuỗi nhà hàng Gogi, Kichi-Kichi... lãnh trát phạt vì “ém” thông tin
Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng – Golden Gate (địa chỉ: Số 60, phố Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội).
Cụ thể, Golden Gate bị phạt tiền 60 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật về ngày thực hiện chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi sang cổ phiếu theo văn bản thỏa thuận ký với trái chủ Yellow Star Investment 1 Pte.Ltd.
Ngoài ra, các thông tin về việc tiêu hủy 1.900 cổ phiếu quỹ ngày 19/3/2018 để giảm vốn điều lệ theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông số 02/2018/NQ-ĐHĐCĐ ngày 15/3/2018 cũng được Golden Gate công bố chậm.
Công ty này còn thực hiện công bố thông tin về việc giao dịch mua lại 70.000 cổ phiếu vào ngày 20/11/2018 không đảm bảo trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày UBCKNN thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo và không đảm bảo ít nhất 7 ngày làm việc trước ngày giao dịch.
Thiếu tiền chi trả, đại gia Đặng Thành Tâm xin “khất” cổ tức
Phiên giao dịch sáng ngày 11/4, trong bối cảnh chung của thị trường, cổ phiếu KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc giảm nhẹ 0,34% còn 14.850 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của mã này.
Doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm vừa công bố báo cáo thường niên với nội dung đáng chú ý là “khất” cổ tức. ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 đã thông qua phương án trả cổ tức và ủy quyền cho HĐQT công ty quyết định mức cổ tức tối thiểu là 30%.
KBC cho biết chưa thu xếp được nguồn tiền mặt để thực hiện chi trả cổ tức như kế hoạch
Trong đó, nếu cân đối được nguồn vốn thì tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền tối thiểu là 10%, hoặc một tỷ lệ khác lớn hơn và phần còn lại bằng cổ phiếu và ĐHĐCĐ đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm thực hiện chi trả cổ tức khi HĐQT cân đối được nguồn vốn.
Tuy nhiên, lãnh đạo KBC cho biết, trong năm 2018, HĐQT vẫn chưa cân đối được nguồn tiền mặt để thực hiện việc chi trả cổ tức như kế hoạch.
Mẹ Cường Đô La: "Không vì cổ đông, 3.000 nhân viên thì tôi đã tự tử"
Trong cuộc gặp gỡ mới đây (10/4) với lãnh đạo Thành uỷ TPHCM, bà Nguyễn Thị Như Loan , Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai (mẹ của Cường Đô la) kể về tình cảnh "sống dở chết dở" khi đang có tới 12 dự án bị ách tắc trên địa bàn với tổng quỹ đất 150 ha. Thậm chí, dự án dù đã bán rồi nhưng "đi mòn dép" cũng không làm được sổ đỏ cho người mua.
Kể về dự án 3.000 m2 tại huyện Nhà Bè, bà Loan nói như khóc. Bà tốn 3 năm xin thủ tục đầu tư. Tháng 10/2017, dự án này được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư. Tháng 10/2018 dự án đã duyệt xong 1/500.
Mẹ Cường Đô La: "Không vì cổ đông, 3.000 nhân viên thì tôi đã tự tử"
Thủ tục đã hoàn tất, hồ sơ không sai bất cứ dấu phẩy. Thế nhưng, khi trình UBND TPHCM thì chuyên viên trả về với lý do: "Sở Xây dựng ghi "cơ bản hoàn thành", trong khi chuyên viên đòi là phải ghi "hoàn thành" thì mới nhận", bà Loan nói.
"Chỉ một câu chữ thôi mà bắt chúng tôi phải quay lại từ đầu làm lại dự án gần như 100%, từ duyệt quy hoạch 1/2.000, trong lúc chúng tôi đã được duyệt đồ án 1/500”, bà Loan bức xúc.
Chưa dừng lại ở đó, khi hồ sơ trở về "số mo", bà Loan liên hệ Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Tài Chính, UBND quận 7... để cập nhật phê duyệt quy hoạch. Do quá nhiều hồ sơ sau 14 năm, trải qua 3 đời giám đốc nên Sở Tài chính bảo mẹ Cường Đô la nếu muốn nhanh thì phải tự tìm hồ sơ.
"Làm doanh nghiệp đầu tư kinh doanh mà mệt mỏi quá, bức xúc quá. Tôi nhiều lần trong tâm trạng chán nản, nếu không vì cổ đông, nợ ngân hàng, cuộc sống hơn 3.000 nhân viên Quốc Cường Gia Lai thì tôi đã tự tử", bà Loan nói.
Đại cổ đông “chặn đứng” tham vọng, “trùm xây dựng” Coteccons liền mất hơn 1.400 tỷ đồng
Cổ phiếu CTD của Công ty CP Xây dựng Coteccons trong sáng ngày 10/4 đã giảm sàn phiên thứ 2 liên tiếp. Chỉ với hai phiên này, CTD đánh mất toàn bộ thành quả trong vòng 1 tháng giao dịch vừa qua. Vốn hoá thị trường của “ông trùm” ngành xây dựng bị “bốc hơi” 1.443,6 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do, sau khi chủ trương sáp nhập với Ricons đã bị dừng lại dù nhận được sự ủng hộ của phần lớn cổ đông. Nhưng cổ đông ngoại Kustocem phản đối chủ trương sáp nhập này. Kustocem là cổ đông lớn nhất của Coteccons, nắm 13,9 triệu cổ phiếu CTD tương đương tỷ lệ 18% vốn điều lệ.
Về phía Kustocem, đại diện cổ đông này cho rằng, ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch Coteccons là người giỏi nhất trong ngành xây dựng ở Việt Nam, người tạo ra thay đổi, dẫn dắt thị trường. Việc phản đối sáp nhập Ricons được Kustocem giải thích là để Coteccons tập trung chuyên sâu vào khả năng của mình để phát triển, thay vì theo đuổi M&A.
Thế Hưng