Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Cần những bộ trưởng tận tâm, tận lực

(Dân trí) - “Trong kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều đại biểu đã khen ngợi, đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của một số bộ trưởng, thành viên Chính phủ, trong đó tiêu biểu là Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Trong bối cảnh hiện nay, có những người tận tâm, tận lực như Thống đốc Bình là rất quý”.

Đó là ý kiến của ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội (đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh) trao đổi với phóng viên về vai trò của Thống đốc trong công tác xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua.
 
Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội (đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh). (Ảnh Việt Hưng)
Ông Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội (đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh). (Ảnh Việt Hưng)

 

Là một trong những chuyên gia đầu ngành về kinh tế-tài chính, ông có nhận xét gì về bối cảnh, đặc thù xử lý nợ xấu của Việt Nam?

 

Từ năm 2009 nợ xấu của nước ta có dấu hiệu tăng và cao vào năm 2011. Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng cao, điển hình như: chúng ta đã có sự tăng trưởng tín dụng quá nóng từ năm 2000-2010, sau đó thì nền kinh tế bị suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu (từ chỗ nền kinh tế tăng trưởng 7-8%/năm xuống còn 5-5,5%/năm); thị trường bất động sản trước đây tập trung vốn tín dụng rất nhiều bị đóng băng; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh rơi vào tình trạng trì trệ, đóng cửa, phá sản; một số ngân hàng yếu kém trong công tác quản trị, chạy theo phát triển nóng, chịu áp lực mạnh của cổ đông về lợi nhuận… Tất cả những yếu tố trên dẫn đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Có thể nói, việc xử lý nợ xấu của chúng ta có khá nhiều đặc thù. Đặc biệt, việc xử lý nợ xấu của chúng ta được đặt trong một số mục tiêu như: kéo giảm nợ xấu về một mức an toàn nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, phải đảm bảo hoạt động bình thường của hệ thống ngân hàng để phục vụ các mục tiêu của nền kinh tế; giải quyết nợ xấu phải đi kèm với việc tái cơ cấu từng ngân hàng; xử lý nợ xấu trong cơ chế chính sách và khả năng của ngành Ngân hàng và không dùng ngân sách nhà nước. Một đặc thù khác

là nợ xấu của chúng ta chủ yếu tập trung ở thị trường bất động sản.

 

Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã rất nỗ lực xử lý nợ. Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu chưa đạt như kỳ vọng. Vậy, giải pháp nào để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu?

 

Theo tôi, việc xử lý nợ xấu của chúng ta trong thời gian qua đã đạt được một số mục tiêu (chứ không như nhận định tiêu cực của một số người, có lẽ vì họ kỳ vọng quá cao). Bởi vì, ngành Ngân hàng không chỉ tập trung duy nhất vào mục tiêu xử lý nợ xấu, mà còn phải lo rất nhiều nhiệm vụ chính trị đặt ra như: ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát, hỗ trợ vốn cho nền kinh tế để chống suy giảm kinh tế; đồng thời phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, chống đô la hóa, chống vàng hóa, ổn định tỷ giá… Có quá nhiều việc phải làm và ngành Ngân hàng đã từng bước đạt được những mục tiêu đó.

 

Trong bối cảnh đó, việc xử lý nợ xấu đã được thực hiện tương đối tốt bằng 3 nguồn: Các ngân hàng tự xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro; bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), hai nguồn này đã giải quyết được hàng trăm nghìn tỷ đồng nợ xấu; nguồn thứ ba cũng không kém phần quan trọng, đó là các NHTM đã tích cực, chủ động thương lượng với khách hàng, phát mãi tài sản cầm cố thế chấp để thu hồi nợ.

 

Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, ngoài các giải pháp trên, chúng ta còn cần thực hiện tốt hai giải pháp nữa: Một là, các bộ, ngành chức năng cần có sự hỗ trợ thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản. Khi thị trường này ấm lên thì giá trị các tài sản cầm cố cũng được nâng lên và cải thiện tính thanh khoản, thuận lợi cho việc phát mãi. Chúng ta cũng cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, nhất là việc phát mãi tài sản, nâng cao quyền của người cho vay; Hai là, hỗ trợ cho nền kinh tế mạnh lên. Kinh tế tốt lên thì dư nợ sẽ tăng lên, doanh nghiệp sẽ mạnh lên và khả năng trả nợ cũng được nâng lên, tỷ trọng nợ xấu trên tổng dư nợ sẽ giảm xuống. Đây là những giải pháp cần thiết để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

 

Ông đánh giá như thế nào về quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đặt trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế? Theo ông, cần có thêm những giải pháp nào để quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD đạt kết quả tích cực hơn trong thời gian tới?

 

Như chúng ta đã biết, trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành những nghị quyết về tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trụ cột chính là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các TCTD. Đến nay, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu đầu tư công đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong khi đó, do nhiều nguyên nhân, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm. Từ nay đến 2015, Chính phủ sẽ rất quyết liệt trong việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Khi đó, quá trình tái cơ cấu các TCTD sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần rà lại các vấn đề về thể chế, đặc biệt là liên quan đến sở hữu chéo trong ngân hàng để tránh sự thao túng, giúp cho quá trình tái cơ cấu hệ thống diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn.

 

Ở các nước, giải pháp xử lý nợ xấu gắn liền với tái cơ cấu bằng những gói hỗ trợ, kích thích kinh tế của Chính phủ. Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam, hệ thống ngân hàng phải xử lý bằng chính nguồn lực của mình. Do đó, quá trình tái cơ cấu đòi hỏi sự phấn đấu, sự quyết tâm mạnh mẽ hơn của NHNN.

 

Hướng đi mà chúng ta đã thực hiện là đúng. Có thể thời gian tới, chúng ta cần phải tăng cường các giải pháp sáp nhập, quốc hữu hóa những ngân hàng yếu kém, thông qua các ngân hàng thương mại nhà nước để mua cổ phần và cử cán bộ nhà nước tham gia vào công tác quản trị của ngân hàng yếu kém đó. NHNN cần phải tự tin vào hướng đi của mình.

 

Trong thời gian qua, NHNN đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, theo ông, mức độ tác động của các chính sách của NHNN đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần hỗ trợ thị trường như thế nào?

 

Có thể nói, những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của NHNN trong thời gian qua như: giảm mặt bằng lãi suất, mô hình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cho vay thí điểm mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tái canh cây cà phê, sản phẩm liên kết 4 nhà trong lĩnh vực xây dựng, tín dụng ưu đãi và bảo hiểm phù hợp với ngư dân… đã mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận. Đặc biệt, NHNN đã có nhiều chính sách để hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn. Đây là hướng đi đúng và còn rất nhiều dư địa. Nông nghiệp, ngư nghiệp là thế mạnh của Việt Nam, do đó chúng ta cần tiếp tục có thêm các chính sách tín dụng ưu đãi và chắc chắn sẽ mang lại những hiệu quả tích cực.

 

Lãi suất giảm như thời gian qua là hợp lý và nếu có thể thì thời gian tới chúng ta giảm thêm 0,5-1% nữa thì càng tốt. Tuy nhiên, lãi suất không phải là yếu tố quan trọng hiện nay mà quan trọng là yếu tố kích cầu vốn, điều kiện để vay vốn và các chính sách hỗ trợ.

Một trong những tồn tại hiện nay, đó là tổng cầu của nền kinh tế rất yếu. Do đó, vấn đề đặt ra là Chính phủ cần có các giải pháp làm tăng tổng cầu, mà một trong số đó là tăng đầu tư công, đồng thời phải làm sao giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

 

Như chúng ta đã biết, tại Việt Nam hiện nay, 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), mà đã là DNNVV thì có những nhược điểm nhất định về thủ tục hành chính, tài sản cầm cố thế chấp… Chúng ta không thể trách hệ thống ngân hàng thương mại khi có những quy định, điều kiện rất chặt chẽ về tín dụng với doanh nghiệp, vì ngân hàng thương mại cần phải thực hiện nguyên tắc đảm bảo an toàn, chất lượng tín dụng. Ngân hàng không thể “liều mạng”, phát triển nóng như trước đây. Do vậy, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn, Chính phủ cần đánh giá lại, tập trung vốn để nâng cao hiệu quả của quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV (hiện tại quỹ này còn quá nhỏ và chưa làm hết chức năng, nhiệm vụ của mình); các địa phương cũng cần có các trung tâm hỗ trợ DNNVV nhằm hỗ trợ DN các thủ tục về vốn, các thủ tục hành chính…

 

Khi chúng ta tháo gỡ được những khó khăn cho doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp mạnh lên, cùng với sự ấm lên của nền kinh tế, khi đó tổng cầu cũng sẽ tăng lên.

 

Ông đánh giá như thế nào về dư nợ tín dụng của ngành Ngân hàng trong những tháng đầu năm 2014? Theo ông, có nên hạ thấp tiêu chuẩn để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?

 

Dư nợ của ngành Ngân hàng trong những tháng đầu năm tăng trưởng chậm, nhưng có những lý do của nó. Những khoản nợ xấu chúng ta đã xử lý đã phần nào ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng; các khoản vay ngắn hạn để đầu cơ, làm ăn chộp giật đã giảm, bù lại những doanh nghiệp làm ăn tốt dư nợ vẫn tăng. Do đó, về tổng thể, dư nợ tăng trưởng như vậy là hợp lý.

 

Theo tôi, không nên hạ thấp tiêu chuẩn tín dụng để đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Các ngân hàng cần phải giữ vững nguyên tắc tín dụng, đảm bảo sự an toàn và khả năng thu hồi vốn.
 
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, có những người tận tâm, tận lực như Thống đốc Bình là rất quý.
Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, có những người tận tâm, tận lực như Thống đốc Bình là rất quý.

 

Dưới góc nhìn của một đại biểu Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trong công tác điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống các TCTD trong thời gian qua?

 

Như tôi đã nói ở trên, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã làm được rất nhiều việc. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận của cả hệ thống ngân hàng. Dĩ nhiên, không thể không nhắc đến những thành công trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban lãnh đạo NHNN, đặc biệt là vai trò của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.

 

Tôi được biết, trong kỳ họp Quốc hội lần này, có nhiều đại biểu đã khen ngợi, đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến của một số bộ trưởng, thành viên Chính phủ, trong đó tiêu biểu như Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Theo tôi, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, có những người tận tâm, tận lực như Thống đốc Bình là rất quý.

 

Xin chân thành cảm ơn ông!

 

Khôi Minh (thực hiện)
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”