Đại biểu Trần Du Lịch: “Chúng ta chưa phú quý, không nên sính lễ nghĩa!”
(Dân trí) - Tại buổi thảo luận về ngân sách chiều nay 3/11, đại biểu Trần Du Lịch đề cập tới những khoản chi “kiểu phú quý sính lễ nghĩa”. Ông nói: “Chúng ta chưa phú quý không nên sính lễ nghĩa. Đây là những khoản chi quá nhiều, quá lãng phí, không cần thiết, cần cắt bỏ!”.
Chia sẻ về tình thế căng thẳng ngân sách Nhà nước (NSNN), phát biểu thảo luận tại hội trường chiều nay 3/11, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nói: "Tôi cảm thấy Bộ trưởng Bộ Tài chính đang rất khổ trong việc giật gấu vá vai ngân sách. Không biết phải cắt của ai, cho thêm ai, muốn tăng lương cũng không biết lấy nguồn ở đâu ra!"
Theo ông Lịch, dường như đang “có cái gì đó không ổn về nguyên tắc trong ngân sách”.
Qua thực tế thu - chi ngân sách năm 2015, ông Lịch cho rằng, cần phải làm sao để giảm tỉ trọng chi thường xuyên trong cơ cấu chi, để dành phần cho trả nợ và đầu tư lớn hơn.
Vị đại biểu đề xuất, cần cố định khoản chi thường xuyên hàng năm. Theo đó, nếu giữ tổng chi thường xuyên năm 2015, trong những năm sau đó, khi tổng thu tăng thì tỉ trọng chi thường xuyên sẽ giảm, phần “dôi” thêm để dành cho trả nợ và đầu tư.
Trong chi thường xuyên, phần chi cho bộ máy hành chính, trợ cấp…, ông Lịch cho rằng, khoản chi này kể từ năm tới không thể chấp nhận cao hơn số đã chi trong năm 2015.
“Muốn tăng lương, tăng thu nhập thì phải giảm người xuống, không giảm người thì không cho tăng. Cần phải khống chế con số tuyệt đối!”, ông Lịch nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng đề cập tới những khoản chi “kiểu phú quý sính lễ nghĩa”. Ông nói: “Chúng ta chưa phú quý không nên sính lễ nghĩa. Đây là những khoản chi quá nhiều, quá lãng phí, không cần thiết, cần cắt bỏ!”.
Về khoản chi để xây trụ sở, sắm phương tiện, ông Lịch cho rằng, đây là khoản chi tiêu dùng nhưng lại thường được ghép vào chi xây dựng cơ bản. “Ghép chi tiêu dùng vào xây dựng cơ bản và đầu tư thành ra chúng ta vung tay”, đại biểu phân tích.
Về chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp như giáo dục, y tế..., theo đại biểu Trần Du Lịch, khoản này năm nào cũng tăng nhưng “người có tiền không thỏa mãn vì chất lượng dịch vụ kém, người không có tiền cũng không thỏa mãn”.
Do vậy, cần tiến tới ngành y tế nhà nước chỉ bao cấp y tế dự phòng và trợ cấp đầu ra thông qua bảo hiểm. Còn bệnh viện chuyển thành định chế công phi lợi nhuận và tính đúng tính đủ, để người trả tiền trả đúng trả đủ, không bao cấp; người không có tiền thì được bao cấp thông qua bảo hiểm. Giáo dục đại học cũng như vậy.
Với phương án này, đại biểu khẳng định, “chắc chắn rằng sẽ giảm được chi thường xuyên và nâng được chất lượng”.
Liên quan đến bán cổ phần Nhà nước, cho biết hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Chính phủ song ông Lịch cho rằng, cần phải đầu tư có địa chỉ cụ thể với từng dự án, công trình chứ không hòa vào ngân sách chung, “nói là chi đầu tư nhưng lại dùng để chi thường xuyên”.
Bích Diệp