Đại biểu: Tiếp tục chia sẻ thông điệp không hình sự hóa quan hệ kinh tế
(Dân trí) - Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị đẩy nhanh tiến độ với các vụ án kinh tế; tiếp tục chia sẻ thông điệp "không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự", tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp phát triển...
Sáng nay (29/5), Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Nhiều đại biểu đề xuất cần có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Có giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Bắc Giang), cho biết, hoạt động của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân vào nền kinh tế còn hạn chế.
Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước năm 2023 chỉ bằng 1/5 mức tăng giai đoạn 2015-2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và số doanh nghiệp giải thể đều tăng cao so với năm 2022; lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 4 tháng đầu năm thấp hơn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo đại biểu, những yếu tố trên đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá đầy đủ hơn vấn đề "sức khỏe" của doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân và có giải pháp hiệu quả hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó là câu chuyện tín dụng tăng trưởng thấp, doanh nghiệp và nền kinh tế không hấp thụ được vốn dù lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm. Đại biểu nêu cần đánh giá đầy đủ, có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng.
Tiếp tục chia sẻ thông điệp "không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự"
Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu) cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% đã đề ra trong năm nay thì việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp ổn định, đầu tư phát triển là yếu tố quan trọng. Trong đó, vấn đề cần được quan tâm trên hết là tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp trong thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Ông cũng đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này xem xét quyết định cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực sớm hơn để tổ chức thực hiện, góp phần giải quyết căn bản nút thắt về thể chế.
Các bộ ngành cần có bước chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành, để luật có hiệu lực thì tổ chức thực hiện được ngay.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh đề nghị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra, kiểm tra khâu này, hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Ông cũng đề nghị các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố xét xử các vụ án kinh tế đã thụ lý trong thời gian qua; tiếp tục chia sẻ thông điệp đã được người đứng đầu Chính phủ gửi đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư đó là: "Chúng ta không hình sự hóa các quan hệ dân sự, các hoạt động kinh tế; tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển".
Kiểm soát độ mở của nền kinh tế, quan tâm đến thị trường nội địa
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận thấy, kinh tế đất nước vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại; kinh tế vĩ mô tiếp tục giữ ổn định trong khi thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn.
Đại biểu đánh giá cao 11 giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát, chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả.
Chính phủ cũng trình việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%; cùng với đó tiếp tục cơ cấu nợ, ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất, kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo lắng về những tồn tại hiện nay, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường với tỷ lệ cao, nhiều dự án đầu tư còn dở dang, tài sản công sử dụng chưa hiệu quả.
Theo ông Ngân, thế giới ngày nay biến đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, kể từ khi có đại dịch Covid-19, do đó chúng ta cần phải có những giải pháp tương thích.
Kinh tế toàn cầu hiện nay biến động khó lường, khó đoán định, bất định, vì vậy phải tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo. Mặt khác, với tình hình giá cả biến đổi nhanh nên thủ tục trong đầu tư công về tổng vốn đầu tư hay thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.
Cũng theo đại biểu, kinh tế thế giới ngày nay xuất hiện nhiều hình thức nên dễ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế, cần quan tâm đến thị trường nội địa, đặc biệt phải ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường nội địa, thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN...