1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Đại biểu Quốc hội: "Gây thất thoát nghìn tỷ đồng là tội đồ, tử hình cũng chưa đủ răn đe"

(Dân trí) - "Với hành vi gây thất thoát ấy, dù có dành bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng cho xã hội", đại biểu Quốc hội bình luận.

Đại biểu Quốc hội: Gây thất thoát nghìn tỷ đồng là tội đồ, tử hình cũng chưa đủ răn đe - 1

Quốc hội dành 1,5 ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

Thảo luận tại Quốc hội sáng nay 30/5, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội Cà Mau Nguyễn Quốc Hận đề cập tới việc thu hồi tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Theo đại biểu, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhiều công trình hạng mục cấp thiết ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tính mạng của nhân dân không đủ vốn đầu tư thì các vụ án kinh tế, tham nhũng được phanh phui làm thất thoát hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng.

“Các cá nhân gây ra sự bức xúc này là tội đồ, đáng bị lên án và đáng bị pháp luật xử lý nghiêm minh. Với hành vi gây thất thoát ấy, dù có dành bản án cao nhất là tử hình cũng chưa đảm bảo tính răn đe, chưa bảo đảm công bằng cho xã hội", ông nhấn mạnh.

Đại biểu Hận cho rằng, với số tiền không bị thất thoát, tham nhũng thì sẽ có thêm vốn đầu tư cho các kè sạt lở bờ sông, xây dựng các công trình phòng chống lũ quét, lũ ống, góp phần làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì thiên tai trong thời gian qua.

"Ngoài chế tài nặng thì nội dung thu hồi tài sản thất thoát cũng rất quan trọng và có tính răn đe cao, tránh tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, bố chấp nhận ngồi tù vài chục năm nhưng vợ con được sống an nhàn, sung túc cả đời", ông Hận nói.

Thảo luận tại Nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng vấn nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen ngày càng tăng, trong khi pháp luật chưa gọi tên để xử lý loại tội phạm này. Theo đó, bà đề nghị Chính phủ phải bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

Còn theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đánh giá, mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ, tăng trưởng còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Theo đó, quý I/2019, tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chậm lại so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu Chính phủ đặt ra.

Ông Hàm cũng đề cập tới sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. "Nhu cầu vay để trả nợ đến hạn giai đoạn 2019-2021 khoảng 700.000 tỷ, có thời điểm vay để trả nợ gốc lên 20.000-40.000 tỷ mỗi tháng. Chính phủ cần ưu tiên, dồn nguồn lực vào các giải pháp quan trọng và chú tâm đến việc tổ chức thực hiện", ông Hàm kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Thường trực Uỷ ban Pháp luật nói tới tiến độ cổ phần hoá đang "chậm dần đều" qua các năm. Trong khi đó, kỷ luật thực thi pháp luật chưa nghiêm, còn lợi ích nhóm trong cổ phần hoá, thoái vốn, xử lý trách nhiệm cá nhân để xảy ra sai phạm chưa kịp thời.

Ông dẫn chứng trường hợp sai phạm trong cổ phần hoá tại Cảng Quy Nhơn đã được Thanh tra Chính phủ công bố và cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải chưa làm đúng chức năng, nhiệm vụ để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình bán vốn.

"Chính phủ cần chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, khẩn trương xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm", ông nói.

Phương Dung