Thu từ chứng khoán, đất đai tăng đột biến, đại biểu Quốc hội lo rủi ro

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro. Đại biểu đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Thảo luận tại Quốc hội ngày 9/11, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) quan tâm tới cơ cấu thu ngân sách nhà nước. Theo đại biểu, một trong những nội dung tăng trưởng đột biến năm nay là từ hoạt động ngân hàng, chứng khoán, đất đai.

Đại biểu Thơ đặt vấn đề vậy có hay không hiện tượng nhà đầu tư thế chấp vay vốn ngân hàng lấy tiền trong hệ thống tín dụng ra rồi lại quay vòng tiếp và vòng mới là tài sản. Nữ đại biểu lo bong bóng chứng khoán, bất động sản.

Thu từ chứng khoán, đất đai tăng đột biến, đại biểu Quốc hội lo rủi ro - 1

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn tỉnh Hà Tĩnh phát biểu thảo luận (Ảnh: QH)

Cũng theo đại biểu, việc tăng thu ngân sách trong mảng đầu tư tài chính này không mang tính bền vững, tiềm ẩn rủi ro ngắn hạn và trung hạng cao. Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ có sự đánh giá toàn diện về vấn đề này.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) đề nghị tăng cường áp dụng chính sách tài khóa hơn nữa. điều này sẽ làm tăng tỷ lệ nợ công, tăng bội chi ngân sách so với dự kiến nhưng đại biểu cho rằng vẫn còn dư địa cho điều này. Đây cũng chính là giải pháp để tạo những nguồn thu cho giai đoạn sau.

Đại biểu cũng cho rằng việc sử dụng chính sách tài khóa, chính sách tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết nhưng phải cụ thể hóa đối tượng để áp dụng phù hợp. Do hiện nay có nhóm doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng, thậm chí không bị ảnh hưởng bất lợi của đại dịch và không cần Nhà nước hỗ trợ bằng tiền mà chỉ cần đổi mới thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đại biểu Ấn nói.

Trong khi đó, với nhóm doanh nghiệp bị tổn thương từ đại dịch, đại biểu cho rằng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của ngân hàng, biện pháp hỗ trợ mà ngân sách nhà nước như cơ cấu lại nợ, chính sách lãi suất thời gian qua cũng đã rất có tác dụng.

"Việc Nhà nước hỗ trợ cho đối tượng này thông qua lãi suất tới đây cũng cần được tính toán phù hợp, không phải đối tượng nào cũng áp dụng được. Bởi vì, nếu như ngân sách hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng tiền lãi thì ngân hàng thương mại phải giải ngân 100.000 tỷ đồng. Rủi ro mất vốn ở đây sẽ rất lớn nếu ngân hàng thương mại không lựa chọn được để cấp tín dụng phù hợp, vì vậy chính sách tài khóa trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp là cần được ưu tiên áp dụng", đại biểu Ấn nói.

Ngoài ra, đại biểu cũng lưu ý cần kiểm soát, đảm bảo an toàn trong tăng trưởng tín dụng.

Đại biểu Khương Thị Mai (Nam Định) cũng kiến nghị bổ sung thêm nguồn lực cho doanh nghiệp để phục hồi và phát triển, như ban hành gói chính sách hỗ trợ lãi suất thấp cho doanh nghiệp.

"Cần khuyến khích các liên doanh để thu hút vốn, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận cách quản lý công nghệ hiện đại, tăng nỗ lực cho doanh nghiệp, hình thành một số chuỗi tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực", bà Mai nói.