1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại biểu: Giám sát không chặt, chủ ngân hàng chi phối để tiền vào "sân sau"

Hoài Thu Trần Kháng

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, một khi giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu tổ chức tín dụng có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án "sân sau" của mình.

Vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng được không ít đại biểu Quốc hội nêu ý kiến tại thảo luận tại tổ về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi ngày 5/6.

"Nóng" vấn đề sở hữu chéo

Nhận định việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém diễn ra còn chậm, không đạt mục tiêu dự tính, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) dẫn chứng vụ việc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị "bục" tháng 10 năm ngoái là một hệ lụy nặng nề nhưng tất yếu của thực trạng trên.

Góp ý về vấn đề cụ thể, ông Đồng cho rằng, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống, do làm gia tăng một số rủi ro chính. Đơn cử là rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con, cháu. 

"Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính", ông Đồng phân tích.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan: việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.

"Như BaoVietBank và PVComBank có cổ đông là doanh nghiệp Nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ. Vụ việc bà Trương Mỹ Lan - Ngân hàng SCB; Tập đoàn Masan và nhóm cổ đông lớn tại Techcombank; nhóm cổ đông tại ACB...", ông Đồng dẫn chứng.

Đại biểu: Giám sát không chặt, chủ ngân hàng chi phối để tiền vào sân sau - 1

Đại biểu Quốc hội cho rằng, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Dù có quy định các ngân hàng không được phép cho cổ đông của mình vay vốn nhưng thực tế chủ sở hữu lại có thể cho vay đối với các công ty, doanh nghiệp con của những cổ đông này. "Một khi giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án "sân sau" của mình", ông Đồng lo ngại.

Cũng đề cập tới vấn đề sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, đại biểu Đặng Ngọc Huy (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi) cho rằng, tình trạng sở hữu chéo chưa giải quyết dứt điểm được, nhưng trong Luật Các tổ chức tín dụng chưa đề ra được quy định phòng ngừa tình trạng sở hữu chéo.

Bên cạnh đó, theo ông Huy, một số ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng, 2 ngân hàng yếu kém. Trong đó, 3 ngân hàng 0 đồng đưa ra phương án chuyển giao, có ngân hàng sẵn sàng đứng ra nhận nhưng quá trình giải quyết rất chậm. "Như Ocean Bank, tôi biết MB dự kiến tiếp nhận, nhưng từ năm ngoái đến năm nay, một năm thủ tục chưa xong, rất khó khăn", ông Huy nói.

Ông Huy cũng nêu ra thực tế bài học từ một số ngân hàng của Mỹ, Thụy Sỹ. Khi khó khăn họ cho phá sản hoặc sáp nhập, chứ Nhà nước không can thiệp. Từ đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đối với ngân hàng thuộc diện theo dõi, kiểm soát đặc biệt áp dụng thông lệ quốc tế, tránh sự can dự sâu của Nhà nước.

Ngăn chặn việc thuê, nhờ người đứng tên sở hữu để gián tiếp tăng tỷ lệ sở hữu

Đề xuất cụ thể hạn chế sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng cần tập trung rà soát quy định pháp luật về "người có liên quan" và quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan cho phù hợp, tránh việc một số trường hợp "thuê", "nhờ" người không có quan hệ gia đình đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu chi phối tại một tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, để hạn chế tác động tiêu cực từ sở hữu chéo, theo ông Đồng, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng công bố thông tin với tất cả các cổ đông là tổ chức, cá nhân và nhóm người có liên quan sở hữu từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng, để tăng tính minh bạch về sở hữu và đảm bảo an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng.

"Đặc biệt là có thể nghiên cứu xem xét mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút dòng vốn ngoại - vừa là nguồn tiền thật để tái cơ cấu ngân hàng, vừa góp phần cải thiện công nghệ quản trị công ty trong ngân hàng", vị đại biểu nêu quan điểm.

Cũng góp ý về vấn đề này, đại biểu Lê Minh Trí (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cho rằng, cần có lộ trình giảm số lượng ngân hàng thương mại, nếu thấy nó không tác dụng lớn cho phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, ông Trí cho biết, thực tiễn có ngân hàng chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp trong một hệ sinh thái của doanh nghiệp làm chủ ngân hàng đó. Điều này trái với đảm bảo tính đại chúng của tổ chức tín dụng là phục vụ cho kinh tế. Bởi, ngân hàng chỉ là người huy động cho vay và cho vay tất cả các yêu cầu chính đáng của người dân.

"Hiện nay một số ngân hàng cho vay các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình nhưng lại huy động vay từ người dân. Nhưng khi có khủng hoảng xảy ra, Ngân hàng Nhà nước phải gánh chịu. Do đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chức năng cho vay đúng nghĩa", ông Trí nhấn mạnh.