Đại biểu chất vấn chuyện 10 tỷ đồng trong tủ khi khám xét vụ Việt Á
(Dân trí) - Nêu ví dụ trong vụ Việt Á, đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi với Thống đốc NHNN liên quan đến kiểm soát giao dịch bằng tiền mặt với số lượng rất lớn.
Đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chiều 8/6, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết việc hạn chế sử dụng tiền mặt lưu thông trên thị trường đã và đang được áp dụng theo quy định của ngành ngân hàng. Tuy nhiên, không ít tổ chức, cá nhân còn sử dụng tiền mặt với số lượng rất lớn, hàng chục tỷ đồng để giao dịch.
"Ví dụ trong vụ Việt Á, có trường hợp khám xét nơi làm việc của người phạm tội có hàng chục tỷ đồng trong tủ. Thống đốc cho biết tại sao có trường hợp này? Phải chăng có sự bất cập trong sự quản lý của ngành ngân hàng?", ông Hòa đặt câu hỏi.
Vấn đề thứ hai đại biểu nêu ra liên quan tới tín dụng đen. Có những trường hợp gia đình tan nát, bị khủng bố cũng vì xã hội đen, cho nên đại biểu Hòa đề nghị Thống đốc cho biết nguyên nhân? Câu hỏi cũng xin được chuyển đến Bộ trưởng Bộ Công an để giải trình và cho biết thêm về mặt xử lý với những đối tượng này.
Trả lời đại biểu Hòa, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết đối với lưu thông tiền mặt, quy định pháp luật hiện hành cũng có quy định những khoản chi của Nhà nước, ở một ngưỡng là phải thanh toán qua tài khoản.
Hiện nay, NHNN đang trong quá trình tổng kết, đánh giá để sửa đổi các văn bản và những phần quy định về thanh toán tiền mặt sẽ được đánh giá kỹ tác động đối với nền kinh tế.
Tuy nhiên trong thực tế, những giao dịch tiền mặt hay không tiền mặt mà vượt ngưỡng quy định theo Luật Phòng, chống rửa tiền thì các tổ chức, cơ quan thực hiện thanh toán đều có yêu cầu phải báo cáo cho NHNN. Trong trường hợp NHNN đánh giá, phân tích, có thể phối hợp và chuyển các cơ quan pháp luật để xác minh, điều tra.
Đối với tín dụng đen, Chính phủ đã có Chỉ thị 12/2019 giao cho các Bộ, ngành, trong đó NHNN có nhiệm vụ phải tăng cường kênh cung cấp tín dụng ở kênh chính thức. Còn trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức các hội nghị phòng, chống tín dụng đen, đặc biệt là vai trò của Bộ Công an trong việc phát hiện cũng như xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về vấn đề này.