1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đề xuất tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức để phục hồi kinh tế

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức là giải pháp hợp lý, sẽ làm tăng tổng cầu, kích thích nền kinh tế.

Đề xuất nêu trên được PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính - nêu ra như một giải pháp nhằm phục hồi tại Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022 đang diễn ra chiều nay (18/9).

Theo ông này, sau nhiều lần "lỡ hẹn" tăng lương cán bộ, công chức, viên chức thì việc tính toán để thực hiện chủ trương này trong năm 2023-2024 là hợp lý.

Ông Cường nói, việc tăng lương sẽ là giải pháp hiệu quả để tạo ra sự kích thích mới, thúc đẩy tăng tổng cầu, thúc đẩy nền kinh tế. Chưa kể, theo ông, thời gian qua lạm phát tăng cao nên việc tăng lương là cần thiết.

Đề xuất tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức để phục hồi kinh tế - 1

PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính nêu ý kiến tại phiên thảo luận (Ảnh: Quốc Chính).

Ông Vũ Sỹ Cường cũng nêu thêm, từ 2022 đến 2025 sẽ có một loạt các vấn đề cần được điều chỉnh. Bởi thời gian qua, ngoài chính sách hỗ trợ giảm thuế thì khác chính sách khác chưa thực sự hiệu quả; chương trình đầu tư công còn rất chậm…

Ông kiến nghị có thể xem xét điều chỉnh các khoản đầu tư cho nhà ở xã hội sang hình thức hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp và hỗ trợ xây nhà cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Đồng thời, xem xét điều chỉnh các gói hỗ trợ không còn phù hợp với bối cảnh mới. Nguyên tắc chung của việc thực hiện chính sách tài khóa nên là đơn giản về quy trình, dễ xác định đối tượng hưởng lợi và không tạo ra cơ hội cho tham nhũng chính sách, ông Cường nói.

Dẫn chứng một số chính sách tài khóa, ông Cường cho rằng nên rút kinh nghiệm từ thực hiện, gói hỗ trợ nào đơn giản, có đối tượng rõ ràng thì hiệu quả rất cao.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt xăng dầu để trình Quốc hội trong Kỳ họp sắp tới. Việc này theo ông Chi, sẽ là công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Ông Chi cũng nói, Bộ Tài chính đã sẵn sàng nghiên cứu kỹ lưỡng, chủ động trong các giải pháp tài khóa, để có các phương án, kịch bản đa dạng ứng phó với tất cả các tình huống, đúng như phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến" đã được Chủ tịch Quốc hội dẫn lại khi phát biểu khai mạc diễn đàn.

Trong khi đó, đề cập tới tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, TS.Cấn Văn Lực cho rằng cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

Ông cũng đề cập tới việc cần một kế hoạch giải pháp để nâng cao sức chống chịu nền kinh tế, tính tự cường quốc gia, kế hoạch huy động nguồn lực tài chính, nhân lực... để đạt mục tiêu tăng trưởng, phát triển bền vững.

Đề xuất tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức để phục hồi kinh tế - 2

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, nêu nhiều thách thức mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt (Ảnh: Quốc Chính).

Trước đó, phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nêu nhiều thách thức mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt thời gian tới. Trong đó, những biến động từ thế giới sẽ có sức ảnh hưởng tới Việt Nam.

Ông Phương nói: "Thế giới tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều các yếu tố rủi ro, bất định, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng". Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo chậm lại, nguy cơ suy thoái gia tăng. Lạm phát tiếp tục cao, có khả năng kéo dài trong trung hạn tại một số quốc gia…

Với độ mở kinh tế lớn, trong khi tính tự chủ của nền kinh tế, năng lực sản xuất trong nước còn hạn chế, điều này theo ông Phương, sẽ là thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

"Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước…", ông Phương nói.

Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, xây dựng Kế hoạch năm 2023, dự kiến xác định 15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội. Ông Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cuối năm 2022 và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm