1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đã trình Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý 2 ngân hàng yếu kém

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán tăng nóng

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2021 có 5/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm "tăng nóng". Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được kiểm soát dưới mức 2%, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu có thể tiếp tục tăng.

Đã trình Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý 2 ngân hàng yếu kém - 1

Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. (Ảnh: Mạnh Quân).

Một số hạn chế khác cũng được thẳng thắn nhìn nhận như xuất khẩu vẫn phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường, tốc độ tăng nhập khẩu năm 2021 cao hơn xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu là nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện để gia công, tận dụng các chính sách ưu đãi, chi phí năng lượng, môi trường, sức lao động... giá rẻ, vị trí địa lý cửa ngõ và các hiệp định đã ký kết, tạo ra ít giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Ngoài ra, sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, trong đó khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách. Một số chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ. Sức chống chịu của nền kinh tế suy giảm mạnh; không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản .

Đề cập tới nguyên nhân của những hạn chế, khó khăn, báo cáo cho biết bên cạnh những nguyên nhân nội tại của nền kinh tế, nguyên nhân khách quan cơ bản là do dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề, khiến 23 địa phương phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội trong thời gian dài, trong đó có các trung tâm kinh tế lớn, vùng động lực tăng trưởng.

Đồng thời, còn có các yếu tố từ bên ngoài như: chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy; giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng cao; việc huy động chuyên gia, nhà quản lý, nhà thầu nước ngoài, máy móc, thiết bị nhập khẩu bị gián đoạn.

Về nguyên nhân chủ quan chủ yếu, báo cáo cho rằng "do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lơ là, mất cảnh giác, chủ quan, bị động, lúng túng hoặc cứng nhắc, chưa đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các tình huống cụ thể, đột xuất…".

Một số yếu tố khác cũng được nêu rõ như năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế; việc thực hiện các biện pháp, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về phòng, chống dịch, lưu thông hàng hóa, tổ chức sản xuất an toàn có lúc, có nơi chưa kịp thời, chưa nghiêm, áp dụng thiếu nhất quán, chưa linh hoạt; hạn chế về năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa thật sự chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu thực tiễn diễn biến nhanh, khó lường; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân vẫn còn phiền hà…

Xử lý nghiêm vi phạm thị trường chứng khoán, 2 ngân hàng yếu kém chờ chủ trương

Sang năm 2022, báo cáo Chính phủ đánh giá thị trường tài chính - tiền tệ cơ bản ổn định, đến ngày 11/5/2022, tín dụng tăng 7,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,01% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ giá ổn định, lãi suất, hỗ trợ tích cực nhu cầu tín dụng cho sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời đã kịp thời triển khai các giải pháp ổn định thị trường, tâm lý nhà đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường.

Một số tín hiệu tích cực xử lý những vấn đề vướng mắc, tồn đọng nhiều năm cũng được báo cáo đề cập tới như: Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2; các ngân hàng thương mại yếu kém (2/4 ngân hàng yếu kém đã có Nghị quyết chuyển giao bắt buộc cho ngân hàng thương mại, 2/4 ngân hàng yếu kém còn lại đã trình Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý); chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN cho các dự án của Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).

Theo dõi sát thị trường tài chính để xử lý kịp thời

Theo Chính phủ, những biến động của tình hình kinh tế - chính trị khu vực và thế giới, lạm phát, giá dầu tăng cao, dịch bệnh kéo dài… đã tác động không nhỏ đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội Việt Nam trong 4 tháng đầu năm.

Cụ thể như ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá dầu tăng cao từ cuối tháng 2 tác động dây chuyền lên giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logistics, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu…, trong khi công tác điều hành giá xăng dầu còn khó khăn.

Chỉ số CPI tháng 4 tăng 2,09% so với cuối năm 2021, gần gấp 02 lần cùng kỳ các năm 2018-2021, tạo áp lực lớn lên điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cả năm 2022, làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Đã trình Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý 2 ngân hàng yếu kém - 2

Cần điều hành linh hoạt, kịp thời giá xăng dầu trong nước đồng thời bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới (Ảnh: Mạnh Quân).

Giá dầu tăng cao sẽ tác động tiêu cực đến nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay và 2023. Do vậy theo Chính phủ, yêu cầu cần điều hành linh hoạt, kịp thời giá xăng dầu trong nước đồng thời bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới.

Cũng theo báo cáo, áp lực tăng tỷ giá trong thời gian tới, do lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng cao, Fed tiếp tục có nhiều đợt tăng lãi suất, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài, giá nhập khẩu đầu vào tăng mạnh. Nguy cơ nợ xấu, những tồn tại, bất cập của thị trường tài chính, thị trường vốn là vấn đề cần tiếp tục được quan tâm, theo dõi sát sao để có thể xử lý kịp thời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm