Đã đề xuất cơ chế xử lý các ngân hàng yếu kém và SCB

Thảo Thu

(Dân trí) - Thủ tướng đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đề xuất cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và Ngân hàng SCB.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh đã có báo cáo kết quả thực hiện kinh tế xã hội 2022, kế hoạch 2023 tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra hôm nay (3/1). 

Đã đề xuất cơ chế xử lý tổ chức tín dụng yếu kém

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh thông tin, Chính phủ đã rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và Ngân hàng SCB; tăng cường thanh tra, giám sát, có biện pháp quyết liệt để bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đã đề xuất cơ chế xử lý các ngân hàng yếu kém và SCB - 1

Đã đề xuất cơ chế xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và ngân hàng SCB (Ảnh: Tiến Tuấn).

Phương án xử lý 8/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú, Sông Hậu 1, cụm dự án khí điện Lô B - Ô Môn, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, chủ trương phá sản SBIC, tái cơ cấu Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) đã được trình cấp có thẩm quyền. Phương án xử lý đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố đã được trình Bộ Chính trị. Việc chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho các dự án VEC, VIDIFI... được báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội. 

Bên cạnh đó là các nội dung như tập trung chấn chỉnh, xử lý sai phạm, tháo gỡ vướng mắc cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; thúc đẩy phát triển thị trường lao động.

Mặt bằng giá cả cơ bản giữ ổn định, bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Ngoài ra, điều hành giá xăng, dầu theo giá thị trường; tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu; điều chỉnh phù hợp chi phí kinh doanh; chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy sản xuất của 2 nhà máy lọc, hóa dầu trong nước và chủ động nhập khẩu xăng dầu theo cung - cầu; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ thời gian qua.

Nhiều kết quả quan trọng

Theo Phó Thủ tướng, năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trong nhiều năm qua.

Có thể kế đến như việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về tiền tệ (bảo đảm thanh khoản, cung tín dụng, điều chỉnh phù hợp tỷ giá, lãi suất), tài khóa (giãn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí).

Bên cạnh đó là giữ vững sự ổn định trong điều kiện bất định, giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Đã đề xuất cơ chế xử lý các ngân hàng yếu kém và SCB - 2

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh phát biểu ngày 3/1 (Ảnh: VPG).

Tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%. Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Mặt bằng lãi suất được điều chỉnh phù hợp. Thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường trong và ngoài nước; tăng trưởng tín dụng đạt 12,87%.

Thu ngân sách Nhà nước vượt 26,4% dự toán. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục 732,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,2%.

Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục trên 53,2 tỷ USD.

Các giải pháp phát triển du lịch được thực hiện đồng bộ; có trên 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7 triệu lượt khách quốc tế. Nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới được phát triển, thương mại điện tử tăng gần 20% so với cùng kỳ.

Tiến độ nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia được đẩy nhanh; ưu tiên bố trí vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía bắc, khu kinh tế động lực... 310km đường bộ cao tốc được hoàn thành và đưa vào sử dụng, 255km được thông xe kỹ thuật; 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2011-2025 được khởi công, bên cạnh đó các dự án như: dự án cầu Rạch Miễu 2, Đường vành đai phía tây TP Cần Thơ, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Điện Biên…

Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia tích cực được triển khai thực hiện... cũng là những kết quả quan trọng được Phó Thủ tướng thường trực nêu ra...