Đà Nẵng: Thêm một số hộ dân kêu oan vì trúng đấu giá nhưng không được giao đất
(Dân trí) - Mới đây, một số người dân đã làm đơn thư kêu cứu khẩn cấp lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi họ trúng đấu giá một số khu đất, nộp tiền đầy đủ nhưng lại bị TP Đà Nẵng ngang nhiên đòi hủy kết quả đấu giá và tịch thu tiền cọc.
UBND TP Đà Nẵng: Làm luật sai để che đậy cái sai
Theo thư kêu cứu, ông Nguyễn Kỳ Thành, ông Nguyễn Xuân Trung, ông Phạm Hữu Cường, bà Trần Thị Hai, và ông Bùi Xuân Cường là những người đã tham gia đấu giá một số khu đất tại TP Đà Nẵng vào ngày 21/1/2017, đến tháng 3/2017 thì công bố những người này đều trúng đấu giá.
Sau đó, Cục Thuế TP Đà Nẵng thông báo với những người dân này rằng, thời hạn nộp tiền sử dụng đất là ngày 21/4/2017 nộp 50% số tiền và ngày 20/6 nộp nốt 50% còn lại.
Trong thời gian đó, theo ông Thành, các hộ dân có người bị ốm, người đi công tác nước ngoài nên nộp chậm tiền khoảng 5-6 ngày nhưng sau đó đã nộp tiền phạt chậm nộp.
Tuy nhiên gần đây, UBND TP Đà Nẵng tuyên bố sẽ hủy kết quả đấu giá các lô đất mà những người dân này đã đấu giá trúng dựa theo Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND ngày 15/1/2015.
“Nhưng Quyết định 01 của TP Đà Nẵng sai từ khi ra đời!”, ông Thành khẳng định.
Giải thích cho điều này, ông Thành nêu rõ rằng, TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 25 ngày 18/8/2014 về thủ tục trình tự bán đấu giá quyền sử dụng đất. “Trong Quyết định 25 này thì không có điều khoản nào quy định rằng nếu nộp chậm tiền thì phải hủy kết quả đấu giá nên TP Đà Nẵng cho ra đời tiếp Quyết định 01 ngày 15/1/2015 để sửa đổi điều này của Quyết định 25. Sai là từ đây!”, ông Thành nói.
Cụ thể, Quyết định 01 đã sửa đổi Điều 26 của Quyết định 25 thành: Quá thời hạn nộp tiền thì hủy kết quả đấu giá và thu hồi tiền đặt cọc nộp ngân sách nhà nước.
Theo đó, quyết định này ra đời là trái với Nghị định số 45/2014/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất, trong đó quy định rằng nếu nộp chậm thì phải nộp tiền phạt chậm nộp.
Để thanh minh cho mình, TP Đà Nẵng cho biết, Quyết định 01 này căn cứ vào Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ra ngày 15/5/2014, trong đó có quy định rằng nếu nộp chậm thì được hủy kết quả đấu giá. Nhưng dù sao, Quyết định 01 ra đời là trái với Nghị định 45 của Chính phủ.
Điều đáng nói ở đây là Nghị định 43 và Nghị định 45 ra đời cùng một ngày nhưng có những chồng chéo và xung đột nhau, cho nên đến năm 2016, Bộ Tài chính cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp với nhau và thống nhất ra Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT có hiệu lực thi hành ngày 8/8/2016 để hướng dẫn cụ thể hóa Luật.
Cụ thể, có quy định lại rằng: “Trường hợp nộp chậm so với thời hạn quy định tại Thông báo của cơ quan thuế thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật quản lý thuế”.
Như vậy có thể thấy Cục Thuế Đà Nẵng phải tuyệt đối chấp hành theo Thông tư số 88 này và không thể chăn cứ vào các văn bản không còn phù hợp nữa như Quyết định 01/2015/QĐ-UBND và các quyết định khác trái với thông tư này được.
Cùng nộp chậm tiền nhưng bên thì vẫn giao sổ đỏ, bên thì không!?
Theo văn bản số 864/UBND-STNMT ngày 2/2/2018, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết dù cùng là chậm nộp tiền sử dụng đất nhưng trường hợp Công ty TNHH Ân Điển thì được nộp tiền phạt chậm nộp còn trường hợp của những người dân nêu trên thì phải chờ chỉ đạo thực hiện của Bộ Tài chính.
Mặc dù vô lý như vậy nhưng chỉ vài ngày sau, Bộ Tài chính đã có công văn số 1712/BTC-TCT nói rõ rằng: “Trường hợp nộp chậm so với thời hạn quy định tại Thông báo của cơ quan thuế thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật quản lý thuế”. Điều này có nghĩa là cho phép những người dân nêu trên được quyền nộp tiền chậm nộp và nhận quyền sử dụng khu đất đã đấu giá trúng.
Thêm nữa, Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật thuộc Bộ Tư pháp cũng có văn bản số 532, trong đó chỉ ra trường hợp chậm nộp tiền sử dụng đất cũng thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 và Nghị định 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017.
Tuy nhiên, từ khi công văn số 1712 của Bộ Tài chính ra đời, UBND TP Đà Nẵng vẫn không chịu thực hiện, khiến cho những người dân đã trúng thầu một số khu đất tại đây lâm vào cảnh nợ chồng chất vì sự việc đã kéo dài hơn 18 tháng.
“Đây đều là tiền mồ hôi nước mắt, tiền xương máu, tiền tích góp cả đời của chúng tôi, thế mà giờ có nguy cơ mất trắng”, ông Thành cho hay.
Trước đây, hồi năm 2016, khi làm việc tại Đà Nẵng, Thủ tướng từng khẳng định Đà Nẵng phải là điểm đến của nhà đầu tư, du khách, hàng hóa, hội tụ được nhân tài và những ý tưởng sáng tạo như những gì mà Singapore làm được.
Thế nhưng, giờ đây, đáp lại sự hưởng ứng của người dân và doanh nghiệp, chính quyền TP Đà Nẵng đang khiến cả người dân và doanh nghiệp mất niềm tin vào sự công minh, chính trực, tinh thần phục vụ và kiến tạo của Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng luôn hướng đến.
Hồng Vân