1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đà Nẵng đề xuất 3 kịch bản phục hồi kinh tế - xã hội đang tăng trưởng âm

(Dân trí) - Chính quyền Đà Nẵng đề xuất 3 kịch bản phục hồi, sau khi có báo cáo lần đầu tiên, kinh tế - xã hội thành phố trực thuộc Trung ương này tăng trưởng âm.

Ngày 6/7, thông tin tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân TP, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết: Trong 6 tháng đầu qua, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn bị thiệt hại lớn do ảnh hưởng của Covid-19. 

Đà Nẵng đề xuất 3 kịch bản phục hồi kinh tế - xã hội đang tăng trưởng âm - 1

Các đại biểu dự kỳ họp của HĐND TP Đà Nẵng nghe lãnh đạo chính quyền TP đề xuất 3 kịch bản phục hồi kinh tế - xã hội đang tăng trưởng âm do đại dịch Covid-19

Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều suy giảm và đạt thấp so với kế hoạch. Tổng sản phẩm xã hội (GRDP) giảm 3,61% so với cùng kỳ 2019, và là lần đầu tiên GRDP Đà Nẵng tăng trưởng âm trong vòng khi Thành phố trực thuộc Trung ương.

Các chỉ số tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 26,2%; tổng mức bán lẻ giảm 2,8%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 10,9%; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm nay giảm 7,3%... so với cùng kỳ năm trước.

Để phục hồi sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và một số nguyên nhân khác, chính quyền TP đã đề xuất 3 kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến hết năm 2020.

Đà Nẵng đề xuất 3 kịch bản phục hồi kinh tế - xã hội đang tăng trưởng âm - 2

Trong 3 kịch bản, kịch bản 1 tươi sáng nhất cũng chỉ dự kiến chỉ số GRDP của Đà Nẵng năm nay tăng khoảng 1,3% so với năm trước

Cụ thể, kịch bản 1 mang lại một bức tranh phục hồi kinh tế - xã hội tươi sáng nhất với dự kiến chỉ số GRDP năm 2020 tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Theo kịch bản này, Đà Nẵng phục hồi các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát Covid-19 từ nửa cuối tháng 4/2020. Hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng khống chế được dịch trong quý 3/2020. Kết quả trong quý 3/2020, kinh tế thành phố Đà Nẵng trên đà phục hồi. Bước sang quý 4, giá trị tăng thêm của tất cả các ngành cơ bản trở lại bình thường.

Kịch bản 2 xây dựng với tình huống trong quý 3, kinh tế thành phố Đà Nẵng chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Bước sang quý 4, kinh tế trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch, tác động ở mức khoảng 50% đến 60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Đúng kịch bản này, dự kiến GRDP của Đà Nẵng năm nay giảm khoảng 0,88% so với năm trước.

Kịch bản 3 dự kiến GRDP giảm khoảng 2,83% so với năm 2019, với tình huống 6 tháng cuối năm 2020, kinh tế thành phố vẫn chưa thể phục hồi. Giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020; thậm chí ảnh hưởng mạnh hơn do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ kéo dài. 

Theo ông Hồ Kỳ Minh, trong 3 kịch bản trên, kịch bản 1 là lý tưởng, trong khi kịch bản 3 hoàn toàn có thể xảy ra khi hằng ngày trên thế giới vẫn ghi nhận trên 100.000 người mắc bệnh và trên 5.000 người tử vong do mắc Covid-19 (thời điểm đầu tháng 6/2020). Vì thế, kịch bản 2 có thể là một lựa chọn phù hợp để làm định hướng phấn đấu trong xây dựng phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm 2020.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh thêm một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố trong 6 tháng cuối năm nay là phối hợp với các cơ quan Trung ương tham mưu Chính phủ có hướng dẫn việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 144/2016/NĐ-CP ngày 1/11/2016 quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Đà Nẵng.

Tâm An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm