Covid-19 khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp nhất 30 năm qua
(Dân trí) - Dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam gần như thấp nhất trong gần 30 năm qua, nhưng tăng trưởng vẫn dương, so với quốc tế Việt Nam vẫn có điểm sáng vì nhiều nước tăng trưởng âm.
Sáng nay (29/6), tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng, Vụ Hệ thống Tài khoản Quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết: "Qua rà soát dữ liệu thống kê từ năm 1991 đến nay, chưa bao giờ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm trong gần 30 năm qua của Việt Nam lại thấp kỷ lục như hiện nay", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, các tổ chức quốc tế đánh giá, tăng trưởng của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 và Việt Nam không phải là nước chịu tác động tiêu cực nhất bởi đại dịch.
"Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng toàn cầu có thể giảm âm 4,9%; Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) còn dự báo, nếu Covid-19 bùng phát lần 2, GDP toàn cầu có thể giảm âm 7,6%.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý 2 chỉ đạt 0,36%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (2011-2020).
Tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 của các năm 2011 - 2020 lần lượt là 5,93% 5,08%, 5%, 5,34%, 6,47%, 5,78%, 6,36%, 6,73%, 6,73% và 0,36%.
Đồng thời, báo cáo của cơ quan này khẳng định, tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2020 cũng được ghi nhận con số thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Theo ông Hùng, dù tốc độ tăng trưởng của Việt Nam gần như thấp nhất trong gần 30 năm qua, nhưng tăng trưởng vẫn dương, so với quốc tế chúng ta vẫn có điểm sáng vì nhiều nước tăng trưởng âm.
Theo ông Dương Mạnh Hùng, tăng trưởng của cả năm thấp hơn ngoài dự đoán và thấp hơn cả kịch bản thấp nhất mà cơ quan thống kê đưa ra do dịch Covid-19 diễn ra trong tháng 4/2020 đã khiến tăng trưởng cả năm 6,8% bị ảnh hưởng nặng nề.
"Nếu năm 2020 muốn giữ tăng trưởng ở mức 6,8%/năm, tăng trưởng kinh tế trong 2 quý sắp tới sẽ phải đạt trên 10%/quý. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không nói là "bất khả thi" bởi tình hình dịch bệnh diễn biến còn phức tạp, thương mại toàn cầu đang rất khó khăn", ông Hùng cho biết.
An Linh