Ấn Độ, khi người dân đòi trả thù và trừng phạt về kinh tế với Trung Quốc

(Dân trí) - Khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong cuộc đụng độ sát biên giới với quân đội Trung Quốc, một nền hòa bình mong manh tồn tại gần 60 năm giữa hai quốc gia Trung - Ấn gần như sắp sụp đổ.

Ấn Độ, khi người dân đòi trả thù và trừng phạt về kinh tế với Trung Quốc - 1
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Trong khi các nhà ngoại giao và chỉ huy quân đội vẫn đang thực hiện các cuộc đàm phán để giải quyết căng thẳng ở cấp độ quân sự thì nhiều chuyên gia đã lo ngại rằng, có một loại xung đột khác đang xuất hiện khi những người dân Ấn Độ đòi trả thù kinh tế và trừng phạt người hàng xóm Trung Quốc của mình.

Một hiệp hội thương nhân ở New Delhi đã yêu cầu các khách sạn cấm du khách Trung Quốc và đưa ra danh sách 3.000 hàng nhập khẩu của Trung Quốc để người dân tẩy chay; các nhà phát triển Ấn Độ đã tạo ra một ứng dụng di động nhằm phát hiện và loại bỏ các ứng dụng di động của Trung Quốc.

Các chính trị gia đã nhanh chóng tham gia vào các cuộc kêu gọi, yêu cầu tẩy chay mọi thứ của Trung Quốc, từ nhà hàng cho đến các ứng dụng di động.

Những báo cáo tin tức gần đây cho thấy, hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã không thể đưa vào thị trường Ấn Độ vì các nhà chức trách đang trì hoãn việc thông quan các loại hàng hóa này.

Hậu quả của những vụ tẩy chay này vẫn chưa được báo cáo song chắc chắn sẽ sớm có một cuộc đối thoại về vấn đề này ở Ấn Độ. Nền kinh tế Ấn Độ dự kiến ​​sẽ sụt giảm tới 4,5% trong năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Liệu trào lưu tẩy chay Trung Quốc có phải là một quyết định khôn ngoan của Ấn Độ trong bối cảnh này? Liệu Ấn Độ có thể đủ khả năng cho một trận chiến kinh tế với Trung Quốc – đối tác nhập khẩu lớn nhất của họ hay không? Đó là một vấn đề mà họ cần phải xem xét thật kỹ lưỡng nếu không muốn bị tổn hại.

Hàng hóa dịch vụ và đặc biệt là dòng vốn đầu tư Trung Quốc hầu hết đã bao trùm lên mọi khía cạnh cuộc sống hàng ngày ở Ấn Độ, từ mua đồ tạp hóa đến gọi xe taxi hay đặt hàng thực phẩm trực tuyến và thanh toán kỹ thuật số.

Theo báo cáo của Brookings India đưa ra vào tháng 3 năm nay, các khoản đầu tư hiện tại và theo kế hoạch của Trung Quốc vào Ấn Độ là hơn 26 tỷ USD.

Theo báo cáo của Gateway House trong cùng tháng, vốn đầu tư của Trung Quốc đã tài trợ cho ít nhất 92 công ty khởi nghiệp Ấn Độ - bao gồm 14 "công ty kỳ lân" Ấn Độ trị giá 30 tỷ USD - bằng cách rót ít nhất 4 tỷ USD. Những start-up này bao gồm các thương hiệu nổi tiếng như Ola, Flipkart, Byju, Make My Trip, Oyo, Swiggy và Zomato.

Sự hiện diện của Trung Quốc tại Ấn Độ cũng được đánh dấu bằng việc nhập khẩu các loại linh kiện và các nguyên liệu sản xuất, cả hai loại hàng hóa này đều được các nhà sản xuất Ấn Độ sử dụng để tạo ra hàng hóa thành phẩm.

Theo thống kê, có khoảng 60% hàng nhập khẩu của Ấn Độ từ Trung Quốc là những loại hàng linh kiện và nguyên liệu sản xuất. Ông Joe Thomas K, giáo sư trợ lý nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Công nghệ Ấn Độ Madras (IIT-Madras) cho biết: “Nếu không có hàng nhập khẩu này, chuỗi cung ứng của chúng tôi sẽ không thể tạo ra được thành phẩm để đưa ra thị trường”.

Bên cạnh nhập khẩu, Trung Quốc cũng đã tăng cường đầu tư vào sản xuất ở Ấn Độ.

Nhiều công ty Trung Quốc hiện đang sản xuất tại Ấn Độ. Trong số năm công ty bán điện thoại di động hàng đầu ở Ấn Độ thì có bốn công ty là của Trung Quốc và chiếm hơn 66% thị phần tại Ấn Độ. Tất cả bốn công ty này đều đang điều hành nhiều nhà máy sản xuất ở Ấn Độ.

Trong nhiều lĩnh vực như viễn thông và dược phẩm, sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc cao đến mức các ngành công nghiệp này sẽ khó có thể tồn tại nếu thiếu các nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo ý kiến của những nhà phê bình, vì những lý do trên, kế hoạch mà Thủ tướng Modi thực hiện để khiến Ấn Độ tự lực bằng cách giảm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ không phải là một ý tưởng tuyệt vời trong khoảng thời gian ngắn hạn.

Ông Vinod Kumar, chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ấn Độ (India SME), một hiệp hội thương mại bao gồm 86.000 doanh nghiệp cho rằng: “Một kế hoạch như Modi đưa ra sẽ phải thực hiện trong thời gian dài hạn, khi chúng ta có thể tổ chức lại chuỗi cung ứng của mình trong nội bộ và tập trung toàn lực. Tự lực có nghĩa là chúng ta sẽ phải tạo ra năng lực và điều kiện phù hợp cho các nhà sản xuất Ấn Độ để xây dựng các sản phẩm. Tuy nhiên, hiện tại họ không thể xây dựng được do thiếu chuyên môn hoặc các nguồn tài nguyên. Họ vẫn phải dựa vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc khá nhiều”.

Tất nhiên, New Delhi có thể quá hiểu rằng những vụ tẩy chay như vậy là không khả thi. Xét cho cùng, Thủ tướng Modi đã là một trong những người chiến thắng lớn nhất về việc xây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc. Sau khi ông lên nắm quyền thủ tướng, thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng từ 65,7 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2014 lên 87 tỷ USD trong năm 2018-19. Hơn nữa, so với cùng kỳ, sự phụ thuộc của Ấn Độ vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng từ 51 tỷ USD lên đến hơn 70 tỷ USD và thâm hụt thương mại của nước này đã tăng từ 36 tỷ USD lên 53,5 tỷ USD.

Joe, trợ lý giáo sư từ IIT-Madras, cho biết mối quan hệ kinh tế sâu sắc được phát triển trong hai thập kỷ qua đã giúp giữ hòa bình giữa hai người khổng lồ châu Á trong suốt 60 năm.

Theo ông Joe, Ấn Độ và Trung Quốc cần khẩn trương tăng cường cả quan hệ kinh tế và văn hóa để giải quyết ổn thỏa những tranh chấp trong thời gian gần đây và tránh làm thiệt hại kinh tế đến cả hai quốc gia.

Thùy Dung

Theo SCMP