Đà Nẵng bàn lộ trình đầu tư cảng Liên Chiểu
(Dân trí) - Theo đề xuất của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, đến năm 2038, cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng sẽ có 6 bến cảng, góp phần hình thành trung tâm logistics quốc tế tại thành phố biển này.
Đề xuất trên được đưa ra tại hội thảo về phát triển cảng Liên Chiểu do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 13/4.
Cụ thể, dựa trên báo cáo khảo sát thu thập số liệu và phát triển cảng Liên Chiểu, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đề xuất lộ trình đến cuối năm 2026 là 2 bến cảng (giai đoạn 1), năm 2031 là 4 bến cảng (việc di dời hàng hóa sẽ bắt đầu và hoàn thành vào năm 2034), đến năm 2035 là 5 bến cảng và năm 2038 là 6 bến cảng.
Quy hoạch phân khu cảng biển Liên Chiểu trong quy hoạch chung có tổng diện tích khoảng 1.285ha. Dân số dự kiến là khoảng 19.000 người.
Theo JICA, lượng hàng hóa tại cảng Tiên Sa đang gia tăng trung bình 13%/năm đối với tổng sản lượng và 20%/năm đối với hàng hóa container trong 10 năm gần đây và đạt tối đa công suất của cảng trong vòng vài năm tới. Sự gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến Cảng Đà Nẵng là chắc chắn. Việc phát triển cảng Liên Chiểu là cần thiết đối với hệ thống cảng biển Đà Nẵng.
Do đó, JICA cho rằng Đà Nẵng nên sớm tính đến chuẩn bị di dời chức năng cảng Tiên Sa dựa trên Quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Theo Quy hoạch, cảng Tiên Sa chỉ còn chức năng cảng biển du lịch, cảng Liên Chiểu sẽ là cảng hàng hóa - PV). Trước hết là nghiên cứu năng lực đường bộ bao gồm hiện trạng cải tạo đường bộ, thống nhất về giai đoạn chuyển hàng hóa từ cảng Tiên Sa đến cảng Liên Chiểu.
2 phương án được đưa ra về thời điểm di dời chức năng cảng hàng hóa từ cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu là vào năm 2031 hoặc vào năm 2041. Từ đây đến thời điểm di dời, cảng Tiên Sa vẫn giữ đa chức năng, vừa là cảng biển du lịch, vừa giữ chức năng cảng hàng hóa, đảm nhận xếp dỡ hàng tổng hợp và hàng container.
Ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ghi nhận hỗ trợ hợp tác của JICA rất cần thiết, tạo tiền đề để dự án bến cảng Liên Chiểu được đầu tư đồng bộ, sớm đưa vào khai thác sử dụng.
Theo ông, dự án bến cảng Liên Chiểu được cho là động lực mới thu hút đầu tư vào Đà Nẵng. Công tác chuẩn bị kêu gọi nhà đầu tư cho dự án cảng Liên Chiểu là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng, cần thực hiện song song với hợp phần đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung mà thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực thực hiện.
Như Dân trí đã thông tin, ngày 25/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung. Đây là dự án nhóm A do chính quyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư với tổng vốn dự kiến hơn 3.426 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 3.000 tỷ đồng; còn lại sử dụng ngân sách địa phương.