1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Đã đến lúc tách Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khỏi Bộ Tài chính?

(Dân trí) - Góp ý về vị trí của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, một số ý kiến cho rằng nên để cơ quan này độc lập và trực thuộc Chính phủ để tăng thẩm quyền, vị trí. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên như hiện nay.

Đã đến lúc tách Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước khỏi Bộ Tài chính? - 1

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được đề xuất chuyển về trực thuộc Chính phủ thay vì Bộ Tài chính như hiện nay.

Lấy ý kiến về dự thảo Luật Chứng khoán mới đây, bà Vũ Thị Kim Liên, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, kể từ năm 2004, khi UBCKNN được đưa về Bộ Tài chính, Uỷ ban đã được hỗ trợ rất nhiều để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

"Đặc biệt, với sự điều hành của Bộ Tài chính, việc gắn kết giữa cổ phần hoá với thị trường chứng khoán chặt chẽ và hỗ trợ tích cực lẫn nhau đã khiến thị trường chứng khoán ngày càng phát triển tốt hơn", bà Liên nói.

Tuy nhiên, đến giai đoạn này, bà Kim Liên cho rằng, có thể xem xét lại vị thế của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước trước yêu cầu của hội nhập quốc tế theo hướng để Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tách khỏi Bộ Tài chính.

Ở góc nhìn khác, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng dù trên thế giới có nhiều mô hình khác nhau về vị trí của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, có thể độc lập hay trực thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng trung ương… thì để điều hành thị trường hiệu quả điều quan trọng là thẩm quyền được quy định tốt.

“Dù trong hay ngoài thì vấn đề là tăng quyền hạn, tạo đủ thẩm quyền cho Uỷ ban xử lý các tình huống, có đủ quyền lực răn đe, giám sát trên thị trường. Còn trong bối cảnh hiện nay, việc đưa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra độc lập sẽ rất khó”, ông Vũ Bằng nhận định.

Theo đó, ông Bằng đề nghị dự thảo nên quy định theo hướng tăng thẩm quyền của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đối với các Sở Giao dịch chứng khoán, thẩm quyền trong thanh tra, giám sát, quyết định nhân sự… để việc quản lý, giám sát thị trường đảm bảo hiệu quả, thực chất.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 6, nội dung này cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý từ phía các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, cần hết sức cân nhắc việc đưa Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thuộc Chính phủ vì sẽ gây xáo trộn, mất thời gian sắp xếp lại tổ chức nhân sự và có thể gây tác động đến thị trường chứng khoán trong khi thị trường đang phát triển bình thường và đạt kết quả tích cực.

Đồng quan điểm, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng cho rằng, việc tách Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ra khỏi Bộ Tài chính cũng chưa đủ cơ sở thực tiễn. Tờ trình của Chính phủ không đưa ra được những bất cập trong bộ máy hiện hành, cũng không chỉ rõ quy định nào cản trở quá trình vận hành bộ máy. Trong khi đó, Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, những năm qua hoạt động đã có mức tăng trưởng đáng kể.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai lưu ý, để nâng cao hiệu quả hoạt động của một bộ máy không phụ thuộc vào việc cơ quan đó nằm ở đâu mà vấn đề là trao cho nó những quyền năng gì. Đặt giả thuyết nếu UBCKNN tách khỏi Bộ Tài chính chuyển sang đầu mối của Chính phủ mà không trao cho nó những quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì không đem lại hiệu quả thiết thực.

Phương Dung