“Đã đến lúc kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng cao trở lại”
(Dân trí) - Trong 3 năm qua, kinh tế phục hồi là có cơ sở (GDP tăng dần từ 5,25% năm 2012 lên 5,8% năm nay). Do đó, “đã đến lúc Việt Nam phải tăng trưởng cao trở lại nhưng phải có quyết sách đúng đắn”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Đánh giá về tình hình kinh tế của đất nước trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội và nhiệm vụ năm 2015 sáng nay, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình) cho rằng, báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng trình bày tại phiên khai mạc Quốc hội kỳ họp thứ VIII đã đánh giá khá đầy đủ tình hình của đất nước.
Theo đó, tình hình có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều thành tựu. Tuy nhiên nền kinh tế còn nhiều thách thức. Nhiều cử tri cho rằng Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng tình với những giải pháp của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Cao Sơn kiến nghị Chính phủ kiểm soát tốt nợ công, nợ nước ngoài, kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, duy trì phát triển bền vững, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng; điều hành linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu…
Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cũng đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ nhưng nhấn mạnh đến sự yếu kém, sự chuyển biến chậm chạm của một số lĩnh vực như phát triển chưa vững chắc, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, tái cơ cấu quá chậm…. Do đó, đại biểu đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp tăng mạnh hơn nữa tổng vốn xã hội, nghiên cứu kỹ phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015, dồn sức cho công trình lớn còn dở dang có tác động tích cực đến sự phát triển…
Dù đánh giá kinh tế xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TPHCM) lưu ý, khi nói chuyển biến trên hầu hết các ngành, lịch vực thì cần thận trọng để tránh sự chủ quan. Giữa báo cáo và tình hình thực tế 9 tháng qua còn khoảng cách lớn và báo cáo của Chính phủ ít đề cập hạn chế, yếu kém mà nhân dân bức xúc, hay vì sao dẫn tới tình hình như thế, đại biểu cho rằng, báo cáo cần đề cập đầy đủ hơn trong những lần sau.
Đặt câu hỏi vì sao ngân sách căng thẳng đến nỗi không có tiền tăng lương, đại biểu nhấn mạnh: “Không có nguồn tăng lương theo lộ trình nhưng không thấy báo cáo rõ, rồi nợ công báo cáo còn đơn giản, Chính phủ cần báo cáo đầy đủ, minh bạch để cả nước cùng lo liệu”.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng bày tỏ đồng tình với báo cáo nhưng nhấn mạnh việc dư luận chưa thực sự yên tâm khi kinh tế phục hồi, tái cơ cấu còn chậm so với yêu cầu phát triển. Cùng với đó là việc thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược chưa đạt như mong muốn, khả năng hấp thu vốn của nền kinh tế còn yếu, việc làm là sức ép lớn…
Trước những tồn tại của nền kinh tế, đại biểu Phong đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết xử lý bất cập sau cho năm 2015. Theo đại biểu, nợ công hiện đang là 60,3% GDP, so với bản đồ nợ công thế giới, ta đang ở mức trung bình; vấn đề đáng lo là khả năng tích lũy còn thấp, cơ cấu chi chưa thật tốt (67% chi thường xuyên, 33% chi đầu tư phát triển), trả nợ thực sự chưa ổn.
Đánh giá về khả năng phục hồi của nền kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhấn mạnh tới những rủi ro co thể gặp khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nhất ASEAN hiện nay (154%). Ông Ngân nói: “Kinh tế các nước, ngay cả khu vực ASEAN thì độ mở của họ cũng ở mức vừa phải. Kinh tế thế giới hiện nay diễn biến rất khó lường, tình hình chính trị phức tạp, chiến tranh giữa các khu vực đã diễn ra, nên nếu chúng ta mở quá lớn mà không có khả năng tự chủ được thì dẫn đế sự lệ thuộc, lệ thuộc cả diễn biến kinh tế thế giới nếu có vấn đề thì xuất khẩu của chúng ta cũng sẽ có vấn đề”.
Cũng theo nhận định của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM), trong 3 năm qua, kinh tế phục hồi là có cơ sở (GDP tăng dần từ 5,25% năm 2012 lên 5,8% năm nay). Tuy nhiên, nếu so sánh với tăng trưởng tiềm năng và mức thực hiện giai đoạn trước, kết quả đạt được còn khiêm tốn. Do đó, “đã đến lúc Việt Nam phải tăng trưởng cao trở lại nhưng phải có quyết sách đúng đắn”, ông Ngân nhấn mạnh.
Nguyễn Hiền