Cựu CEO Google sẽ đến Việt Nam ngày mai là ai?
(Dân trí) - Ông Eric Schmidt, sáng lập quỹ Schmidt Futures, nguyên Giám đốc điều hành Tập đoàn Google, sẽ tham dự hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo và bán dẫn 2025 (AISC 2025) vào ngày 14/3.
Eric Schmidt được biết đến là một trong những nhà lãnh đạo công nghệ vĩ đại nhất của thế kỷ 21. Ông không chỉ có công lớn trong việc xây dựng và phát triển Google, mà còn là người có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến ngành công nghệ toàn cầu.
Vai trò quan trọng tại Google
Eric Schmidt là cái tên không còn xa lạ trong giới công nghệ toàn cầu. Eric Emerson Schmidt sinh ngày 27/4/1955 tại Washington D.C., Mỹ. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ niềm đam mê với khoa học và công nghệ. Sau khi tốt nghiệp Đại học Princeton với bằng cử nhân kỹ thuật điện, ông tiếp tục theo đuổi con đường học vấn và nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ khoa học máy tính tại Đại học California, Berkeley.
Trước khi gia nhập Google, Eric Schmidt đã có một sự nghiệp đáng nể tại các công ty công nghệ hàng đầu. Ông từng giữ vị trí quan trọng tại một số công ty công nghệ như Bell Labs, Zilog và trung tâm nghiên cứu Palo Alto nổi tiếng của Xerox (PARC).
Eric Schmidt từng là Giám đốc công nghệ tại Sun Microsystems - nơi ông đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền tảng Java. Năm 1997, ông được bổ nhiệm làm CEO của Novell.
Năm 2001, 2 nhà sáng lập Google Larry Page và Sergey Brin bị ấn tượng khi nói chuyện với Eric Schmidt và quyết định chiêu mộ ông để điều hành hoạt động của công ty.
Eric Schmidt đảm nhận vị trí vai trò giám đốc điều hành (CEO) Google kể từ thời điểm này. Đây là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông, cũng như trong lịch sử phát triển của Google. Dưới sự lãnh đạo của Eric Schmidt, Google đã có những bước tiến vượt bậc, từ một công ty tìm kiếm nhỏ bé trở thành tập đoàn công nghệ khổng lồ, thống trị thị trường Internet.
Năm 2007, PC World bình chọn ông ở vị trí số một trong danh sách 50 người quan trọng nhất trên thế giới web cùng với 2 nhà sáng lập Google.
Trong suốt 10 năm giữ chức CEO của Google, Eric Schmidt đã đóng vai trò trong việc định hình công việc kinh doanh và phát triển của tập đoàn. Ông không chỉ tập trung vào việc cải tiến công nghệ tìm kiếm mà còn mở rộng hoạt động của Google sang nhiều lĩnh vực khác như quảng cáo trực tuyến, hệ điều hành di động Android, trình duyệt Chrome và YouTube.
Với tầm nhìn chiến lược, vị doanh nhân này giúp Google vượt qua những thách thức và cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ như Microsoft và Yahoo. Nhờ đó, Google đã trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, với hàng tỷ người dùng trên toàn cầu.
Sau khi rời vị trí CEO vào năm 2011, Eric Schmidt tiếp tục giữ vai trò chủ tịch điều hành của Google và sau đó là công ty mẹ Alphabet. Ông cũng tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.

Ông Eric Schmidt là người có tầm ảnh hưởng trong giới công nghệ toàn cầu (Ảnh: IT).
Đầu tư cho công nghệ
Eric Schmidt còn là tác giả có tiếng với nhiều cuốn sách bán chạy về công nghệ và kinh doanh. Ông cũng thường xuyên chia sẻ quan điểm và dự đoán về tương lai của công nghệ trên các diễn đàn và sự kiện quốc tế.
Eric Schmidt được biết đến với phong cách lãnh đạo điềm tĩnh, thông minh và có tầm nhìn xa. Ông luôn khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, đồng thời tạo điều kiện cho nhân viên phát huy tối đa năng lực của mình.
Triết lý kinh doanh của ông là tập trung vào người dùng, cung cấp những sản phẩm và dịch vụ tốt nhất cho họ. Ông cũng tin rằng công nghệ có thể mang lại những thay đổi tích cực cho xã hội, giúp giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Năm 2017, Eric Schmidt và vợ đồng sáng lập quỹ Schmidt Futures. Quỹ này chuyên tài trợ cho các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ và đào tạo nhân lực để giải quyết các vấn đề cấp bách của xã hội. Ngoài khoa học cơ bản, Schmidt Futures còn tài trợ cho các sáng kiến hướng tới các nhu cầu cơ bản của xã hội như truy cập internet, cứu trợ đói nghèo và cứu trợ cho những người di cư từ cuộc chiến gần đây ở Afghanistan và Ukraine.
Mới đây, CNBC đưa tin Eric Schmidt có kế hoạch tài trợ 125 triệu USD thông qua quỹ Schmidt Futures nhằm hỗ trợ nghiên cứu về các vấn đề khó trong AI.
Ông từng lên tiếng về những nguy cơ của AI tương tự việc cảnh báo về tác động tiêu cực của Internet trước đây. Ông cũng từng đề cập đến việc các nền tảng truyền thông xã hội có tác động lớn đến kết quả bầu cử và ảnh hưởng đến cuộc sống, quan điểm và hành động của con người.
"Những bài học này khiến việc chuẩn bị cho tương lai trở nên cấp thiết hơn nữa", ông cho biết.
Eric Schmidt cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể là nguồn lực lớn, đem lại lợi ích chung của xã hội, nhưng cũng cần phải đảm bảo rằng AI được xây dựng và vận hành vì sự phát triển con người.