1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cuối năm: "Nóng" cuộc đua phân hạng "ngôi vua" trong phân khúc xe đô thị

(Dân trí) - Thị trường xe hơi Việt thời điểm cuối năm đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt trong nhiều phân khúc. Trong đó, các mẫu xe đô thị của SUV, MPV và Crossover đang diễn ra sự ganh đua lớn về ngôi vị doanh số.

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 10 tháng đầu năm, lượng xe đa dụng như SUV và MPV có doanh số tăng mạnh nhất, trên 45%, so với cùng kỳ năm trước.

Cuối năm: Nóng cuộc đua phân hạng ngôi vua trong phân khúc xe đô thị - 1

Sự cạnh tranh quyết liệt trong phân khúc xe đô thị đã và đang định hình lại ông vua doanh số xe đô thị hiện nay

Cụ thể lượng bán xe SUV đạt trên 46.200 chiếc, tăng hơn 21.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, xe đa dụng gia MPV đạt doanh số hơn 29.800 chiếc, tăng hơn 13.400 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Riêng phân khúc Crossover giảm nhẹ 1.200 chiếc, chỉ đạt 8.600 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Thương hiệu mới vươn lên, thị hiếu người Việt thay đổi

Xét về doanh số từng mẫu xe trên thị trường hiện nay, nhiều mẫu xe có doanh số tăng rất mạnh, thậm chí sốc. Tuy nhiên, cũng có không ít mẫu xe giảm doanh số một cách thảm hại.

Cụ thể, mẫu Xpander của Mitsubishi có doanh số tăng rất mạnh khoảng 98% so với cùng kỳ năm trước. Thương hiệu xe đa dụng gia đình MPV này có doanh số đạt trên 14.600 chiếc trong 10 tháng qua, tính ra mỗi tháng bán được gần 1.500 chiếc. Con số này chỉ đứng sau Toyota Vios - vua doanh số tại Việt Nam.

Việc Xpander vượt qua Innova chỉ trong thời gian ngắn được cho là do mẫu xe này có nhiều điểm lợi thế như khung thân xe nhỏ, thiết kế xe hiện đại. Dù là dòng MPV nhưng Xpander không to xù, cồng kềnh như các dòng xe khác mà có thể cạnh tranh với Crossover khác trên thị trường.

Mẫu xe nhập là Rush của Toyota 10 tháng qua cũng có doanh số tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của VAMA, Rush bán ta được hơn 2.200 chiếc, tăng hơn 1.800 chiếc so với cùng kỳ năm trước, mức tăng doanh số đạt 82%. 

Mặc dù tổng doanh số của Rush vẫn thấp hơn khá nhiều mẫu xe khác trên thị trường song với sự tăng trưởng doanh số qua một năm cho thấy sự thành công cho mẫu xe nhập kể trên. Theo đánh giá của người dùng, bản thân mẫu xe Rush không có điểm khác biệt nổi trội, lợi thế so với nhiều dòng xe 7 chỗ khác như Innova hay Outlander.

Mẫu xe có doanh số tăng mạnh thứ 3 trên thị trường là Kona. Tân binh của Hyundai Thành Công dù mới xuất hiện năm 2018 nhưng có doanh số tăng mạnh đạt 5.500 chiếc, tăng hơn 4.500 chiếc so với cùng kỳ năm trước, đạt tỷ lệ 81%.

Kona thực sự được người tiêu dùng đón nhận bởi thiết kế dòng xe SUV đô thị này đúng chuẩn: nhỏ, gọn, đa tiện ích khá phù hợp với đường phố Việt Nam. Mặc dù mẫu xe này có giá thấp hơn nhiều so với Mitsubishi Outlander, Mazda CX5 và cả người đàn anh Hyundai Tucson, song ở phân khúc xe SUV đô thị hiện nay Kona vẫn có thị trường riêng và được đánh giá rất cao về sự cạnh tranh.

Chính vì sự gia tăng doanh số phân khúc xe này, nên mới đây hãng xe Việt VinFast đã ra hai mẫu xe mới trong phân khúc xe đa dụng đô thị để cạnh tranh khách hàng với Kona và Ford EcoSport hay Honda BRV.

Theo số liệu của VAMA, hết tháng 10, EcoSport và Kona đã có doanh số đạt gần 9.000 chiếc, đóng góp rất lớn vào tổng doanh số của phân khúc xe SUV trên thị trường.

Xe nhỏ đắt khách, nhiều ông lớn suy giảm rõ rệt

Ngoài các dòng xe nhỏ, hai mẫu xe SUV cỡ lớn cũng có đóng góp doanh số lớn và duy trì sự cạnh tranh trên thị trường là Fortuner của Toyota, Hyundai SantaFe, Honda CRV.

Doanh số của Fortuner tăng hơn 65%, đạt 9.800 chiếc, tăng hơn 6.400 chiếc so với cùng kỳ năm trước; doanh số Hyundai SantaFe đạt hơn 7.500 chiếc, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số của xe Honda CRV đạt 11.400 chiếc, đứng đầu doanh số xe SUV và có mức tăng khoảng 4.500 xe so với cùng kỳ năm trước.

Ba mẫu xe SUV ăn khách nhất trên thị trường hiện đã chiếm 60% tổng doanh số bán của dòng xe này trên thị trường. Doanh số cao và tăng trưởng hai con số của ba dòng xe trên chứng minh sức ảnh hưởng lớn trên thị trường và rất khó để các đối thủ vượt mặt.

Tuy nhiên, doanh số 10 tháng qua không phải chỉ màu hồng vì rất nhiều mẫu xe có doanh số suy giảm, đứng đầu nhóm này là Toyota Innova, mẫu xe 7 chỗ lắp ráp trong nước có doanh số đạt 9.700 chiếc, giảm 2.700 chiếc so với cùng kỳ năm trước, mức giảm 27%. Mẫu xe chiến lược của Mazda là CX5 cũng có doanh số giảm 14%, khi chỉ đạt 8.600 chiếc, giảm gần 1.200 chiếc so với cùng kỳ. Ford EcoSport có doanh số 3.400 chiếc, giảm 400 chiếc so với cùng kỳ năm trước

Nguyên nhân của sự suy giảm doanh số các mẫu xe trên chủ yếu do sự giảm sút nhu cầu và khả năng cạnh tranh. Innova đuối sức so với mẫu xe cạnh tranh Xpander trong cùng phân khúc MPV. Trong khi đó, các mẫu xe có giá từ 800 triệu đến ngưỡng 1 tỷ đồng đang có rất nhiều lựa chọn mới, mẫu mới và khiến các thương hiệu xe cũ, không có sự cải tiến mẫu mã, không giảm giá khó có thể giữ vững được doanh số.

Theo ông Nguyễn Việt, chủ showroom xe hơi trên đường Phạm Hùng, Hà Nội: “Showroom của hãng, bán xe theo đợt khuyến mãi còn các đại lý tư nhân bán xe thường thấp hơn giá các hãng nhằm tăng khả năng và lựa chọn cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu ôm hàng lượng lớn rất dễ dính đòn bởi hiện các hãng xe đều chạy đua doanh số, chương trình khuyến mãi liên tục có thể khiến các đại lý sốc nặng".

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm