Cuộc chiến suốt 10 năm: Đại gia Việt trụ lại, ông lớn Hàn tháo chạy

Cuộc chiến kéo dài 10 năm giữa một doanh nghiệp Việt với ông lớn Hàn Quốc đã tới hồi kết sau khi đại diện của ông Nguyễn Duy Hưng có bước đi quyết định và Lotte dừng cuộc chơi.

Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Lotte Corporation vừa công bố thông tin về việc thông qua quyết định thoái toàn bộ vốn tại CTCP Bibica (BBC). Theo đó, tập đoàn Hàn Quốc đăng ký bán toàn bộ gần 6,8 triệu cổ phiếu Bibica (tương ứng 44,03%) từ 29/12/2020 - 27/1/2021, thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh trước đó CTCP Thực phẩm PAN - PAN Food của ông trùm chứng khoán Nguyễn Duy Hưng đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Bibica lên trên 50% và trở thành cổ đông lớn nhất, vượt ông lớn Hàn Quốc Lotte Confectionery Co.Ltd (nắm giữ 44,03%).

Lotte Corporation cho biết mục đích của quyết định bán là thoái vốn.

Cuộc chiến suốt 10 năm: Đại gia Việt trụ lại, ông lớn Hàn tháo chạy - 1

Lotte thoái vốn tại Bibica.

Lý do đằng sau việc thoái vốn không được công bố. Tuy nhiên, nó diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây áp lực lên nền kinh tế toàn cầu và hầu hết các doanh nghiệp lớn nhỏ trên phạm vi toàn thế giới bị ảnh hưởng.

Trước đó, Tập đoàn PAN của Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng cũng đã đặt ra mục tiêu nâng sở hữu tại Bibica lên 100%.

Cuộc chiến giữa cổ đông nội - ngoại trong nội bộ Bibica là một câu chuyện kéo dài hơn 10 năm qua, từ những cáo buộc "nuôi cá mập trong nhà" của một thương hiệu bánh kẹo Việt cho tới sự xuất hiện của một đại gia trong nước là SSI của ông Nguyễn Duy Hưng.

Các thương vụ M&A tại Việt Nam không hiếm, không ít các tổ chức nước ngoài đã thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành như tỷ phú Thái mua Sabeco, mua Nhựa Bình Minh, gạch Prime…

Nhưng cũng có những thương vụ cổ đông ngoại và doanh nghiệp nội có những bất đồng, dẫn đến mối quan hệ giữa 2 bên đổ vỡ hay căng thẳng như tại doanh nghiệp xây dựng đầu ngành Coteccons, API, Tập đoàn Lộc Trời, Vicostone, Everpia, Beton6…

Cuộc chiến suốt 10 năm: Đại gia Việt trụ lại, ông lớn Hàn tháo chạy - 2

Cuộc chiến giữa các cổ đông nội ngoại kéo dài nhiều năm.

Khoảng 6 năm trước, câu chuyện giữa CTCP Bảo vệ thực vật An Giang, nay là Tập đoàn Lộc Trời (LTG) và cổ đông ngoại VinaCapital cũng từng gây chú ý. Bất đồng của 2 bên nằm ở định hướng kinh doanh của công ty, với chủ trương triển sang lĩnh vực lúa gạo và chiến lược "Cánh đồng lớn".

VinaCapital sau đó đã thoái toàn bộ vốn 23,6% vốn tại LTG cho quỹ đầu tư ngoại SCPE (thuộc Ngân hàng Standard Chartered).

Câu chuyện của Lotte và Bibica cũng có nét giống như vậy. Phía cổ đông nội muốn chiến đấu để giữ thương hiệu Việt và cái hồn Việt trong các sản phẩm bánh kẹo. Trong khi cổ đông ngoại có những chiến lược khác.

Tại Everpia, cổ đông ngoại Red River Holding yêu cầu doanh nghiệp chi trả cổ tức mỗi năm ở mức cao nhằm "vắt" toàn bộ lợi nhuận, trong khi doanh nghiệp cần nguồn lực cho hoạt động kinh doanh.

Cuối cùng vẫn là Red River Holding phải thoái vốn khỏi doanh nghiệp và "rút người" khỏi doanh nghiệp. Kể từ sau khi Red River Holding dời đi, cổ phiếu Vicostone tăng mạnh.

Tại Bibica, phía cổ đông nội PAN muốn Bibica là mảnh ghép quan trọng trong chiến lược 3F của PAN trong công cuộc khai thác sâu ngành thực phẩm.

Cuộc chiến giữa cổ đông nội-ngoại tại Bibica bắt đầu từ 2007 khi Lotte đầu tư vào doanh nghiệp bánh kẹo này với chiến lược phát triển công ty lớn mạnh. Tuy nhiên, sau khi Lotte tăng cổ phần sở hữu, phía lãnh đạo Bibica bày tỏ sự lo ngại, thậm chí phản ứng gay gắt trước tham vọng thâu tóm và xóa sổ thương hiệu Việt của Lotte.

Cuộc chiến giữa Bibica và Lotte bắt đầu lên cao năm 2012 khi Lotte đề nghị đổi tên Bibica thành Lotte - Bibica và không thành công. Cũng trong giai đoạn này, để tránh bị Lotte thâu tóm, Bibica quyết định bắt tay với PAN và bán 35% cổ phần để làm đối trọng với Lotte trong việc phát triển công ty.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 25/12, chỉ số VN-Index tăng trở lại lên trên ngưỡng 1.070 điểm.

Theo BVSC, thị trường dự báo tiếp tục chịu áp lực rung lắc, điều chỉnh mạnh trong một vài phiên kế tiếp. VN-Index nhiều khả năng sẽ giảm về vùng hỗ trợ 1000-1030 điểm trong ngắn hạn khi mà nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã bắt đầu xuất hiện các tín hiệu điều chỉnh sau nhịp tăng điểm mạnh trước đó. Dòng tiền có thể có sự luân phiên dịch chuyển qua các dòng cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn thu hút được sự quan tâm của dòng tiền, đặc biệt là các cổ phiếu trên sàn HNX và Upcom. Tuy nhiên, rủi ro khi tham gia vào nhóm cổ phiếu này sẽ gia tăng mạnh khi thị trường phải đối mặt với áp lực giảm điểm.

Với xu hướng thị trường hiện nay thì VN-Index có thể tiếp tục gặp áp lực bán và rung lắc với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 1.084 điểm. Nhà đầu tư đang sử dụng margin cao có thể tiếp tục bán ra giảm tỷ trọng trong các nhịp tăng để giảm rủi ro nếu thị trường đảo chiều mạnh.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/12, VN-Index giảm 11,38 điểm xuống 1.067,52 điểm; HNX-Index giảm 2,62 điểm xuống 187,63 điểm. Upcom-Index giảm 0,52 điểm xuống 73,07 điểm. Thanh khoản đạt 16,4 nghìn tỷ đồng.