Thị trường hậu WTO:

“Cuộc chiến” sữa thêm khốc liệt

Nhiều chuyên gia cho rằng áp lực gia nhập WTO sẽ đè nặng lên vai các nhà sản xuất sữa nội địa khi “làn sóng” các sản phẩm ngoại nhập đổ bộ vào VN. Tuy nhiên một số doanh nghiệp lại cho rằng việc điều chỉnh thuế nhập khẩu không hẳn là lợi thế cạnh tranh cho các DN nước ngoài.

Một cuộc cạnh tranh mới của các doanh nghiệp ngành sữa và liệu người tiêu dùng có được hưởng lợi?.

 

Sữa nước: hàng nội cạnh tranh tốt

 

Khảo sát mới nhất của một công ty nghiên cứu thị trường chuyên ngành thực phẩm đã nhận định rằng thị trường sữa tại VN (bao gồm sữa nước, sữa chua ăn-yaourt, sữa bột) đang trong giai đoạn phát triển cực thịnh, đặc biệt là sữa nước và sữa bột.

 

Theo khảo sát này, sữa nước, mà người tiêu dùng quen gọi là sữa tươi hay sữa tiệt trùng, dần được người tiêu dùng chuyển sang dùng thay cho các sản phẩm sữa đặc. Mức tiêu thụ được ghi nhận khoảng 200 triệu lít/năm, tăng trưởng trung bình trên 20%/năm. Ước hiện có gần 50 thương hiệu khác nhau đang tham gia thị trường.

 

Một chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sữa cho biết hầu hết các sản phẩm sữa nước đang tiêu thụ trên thị trường được sản xuất từ sữa bột nhập khẩu với mức thuế 25%.

 

Cũng theo chuyên gia này, hiện nay số đàn bò trên cả nước chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu về chế biến sữa tươi nên việc nhập khẩu sữa bột để chế biến là điều tất yếu.

 

Mặc dù vậy, các sản phẩm sữa nước do trong nước chế biến vẫn chiếm ưu thế. Sữa tươi thành phẩm nhập khẩu từ Úc, New Zealand, Thái Lan, Malaysia chưa thể cạnh tranh được với hàng nội do giá cao hơn 5.000-8.000 đồng/hộp, thị phần không đáng kể.

 

Sữa bột: chiếc bánh đã chia

 

Theo ước tính của các chuyên gia, thị trường sữa VN có tốc độ tăng trưởng trung bình 18-20%/năm, riêng năm 2005 là 22% với tổng doanh thu khoảng 13.000 tỉ đồng. Dự kiến năm 2006 mức tăng trưởng cao thêm 5-10% so với năm trước

 

Theo Bộ KH-ĐT, hiện có sáu dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chế biến và sản xuất sữa ăn các loại. Dự án lớn nhất trị giá khoảng 32,2 triệu USD của Công ty TNHH thực phẩm F&N VN đặt tại KCN Việt Nam-Singapore.

Thống kê chưa đầy đủ, hiện có khoảng 20 công ty kinh doanh sữa bột, tổng doanh thu khoảng 200 triệu USD/năm, tốc độ tăng trưởng của thị trường sữa bột tương đối cao và ổn định ở mức15-20%/ năm. Hiện đáp ứng các nhu cầu khác nhau, thị trường có gần... 250 mặt hàng sữa bột.

 

Hiện nay thuế nhập khẩu sữa bột thành phẩm (đã đóng hộp) khoảng 30-40% đối với các mặt hàng sản xuất tại châu Âu, Mỹ. Còn các mặt hàng sản xuất tại các nước ASEAN thuế nhập khẩu có thấp hơn, từ 10-15% đối với sữa bột nguyên liệu. Các công ty trong nước thường chọn giải pháp nhập bột sữa nguyên liệu để chế biến. Nhờ vậy, hiện nay sữa bột nội vẫn lấn lướt sữa ngoại.

 

Giám đốc kinh doanh một công ty chuyên nhập khẩu sữa cho rằng các DN trong nước có nhiều loại sản phẩm, đáp ứng được các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng, giá lại thấp hơn hàng nhập khẩu cùng loại từ 30-40%. Bên cạnh đó, các đơn vị này còn mua được nguyên liệu từ các nguồn rẻ hơn, chi phí phân phối cũng không cao lắm. Trong khi đó sữa ngoại nhập chỉ tập trung vào khách hàng có thu nhập cao ở khu vực đô thị.

 

Hội nhập: người tiêu dùng được lợi

 

Theo một số DN trong nước, giai đoạn hậu WTO có khả năng các công ty nước ngoài sẽ đầu tư nhà máy mới, hoặc gia công ngay tại các nhà máy trong nước, do vậy xu hướng giảm giá là rất lớn. Giám đốc ngành hàng sữa nước của một DN cổ phần cho rằng nguồn cung cấp nguyên liệu sữa tươi trong nước hiện còn mang tính cá thể của các hộ nông dân, chưa được đầu tư sâu về kỹ thuật (chăn nuôi, bảo quản, vệ sinh, phòng bệnh, thức ăn, qui trình vắt sữa…).

 

Trong khi những yếu tố này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành sản phẩm, dẫn đến những bất lợi trong cạnh tranh giữa nguồn cung ứng sữa tươi trong nước với nguyên liệu sữa ngoại nhập. Giám đốc điều hành Rien De Groot của Công ty Dutch Lady VN cũng cảnh báo: áp lực sẽ đè nặng lên vai các nhà sản xuất nội địa khi “làn sóng” các sản phẩm ngoại nhập đổ bộ vào VN. Người tiêu dùng có thể chọn lựa những sản phẩm ngoại nhập khác hấp dẫn hơn.

 

Ở góc độ khác, có DN cho rằng việc điều chỉnh thuế nhập khẩu trong tương lai cũng không hẳn là lợi thế cạnh tranh cho các DN nước ngoài. Vì lúc đó các DN trong nước đã phát triển rất mạnh, thị phần được phân chia rạch ròi nên chuyện chen chân vào cũng không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên, các DN cho rằng cần phải kéo giá sữa xuống thấp hơn nữa bằng cách đầu tư cho nguồn cung cấp sữa trong nước, trong đó có việc phát triển đàn bò để hình thành vùng nguyên liệu.

 

Theo T.V.N.

Báo Tuổi trẻ