1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cùng làm đường điện: Tư nhân làm 6 tháng, doanh nghiệp Nhà nước mất 4 năm

An Linh

(Dân trí) - Đây là chia sẻ thực tế của ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam về quá trình tham gia vào truyền tải điện ở Việt Nam.

Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao năng lượng Việt Nam 2020 đang diễn ra tại Hà Nội ngày 22/7, đại diện nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư ngành năng lượng tại Việt Nam tỏ rõ sự vui mừng về chính sách tư nhân hóa truyền tải điện của Đảng và Nhà nước.

Cùng làm đường điện: Tư nhân làm 6 tháng, doanh nghiệp Nhà nước mất 4 năm - 1

Cùng một lĩnh vực đầu tư song với doanh nghiệp tư nhân, không có quá nhiều quy định, thủ tục, tiến độ triển khai sẽ nhanh hơn gấp nhiều lần

Ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu vào xây dựng các nhà máy điện gió, điện mặt trời và mới đây là đường dây truyền tải điện hòa lưới quốc gia cho biết: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đã khiến giới doanh nghiệp tư nhân hết sức vui mừng.

Đại diện Trung Nam cho hay, họ đã được đầu tư nhà máy điện 450 MW kết hợp với trạm 500 kV. Trạm của Trung Nam đầu tư thuộc vào một trong những trạm lớn nhất của EVN, dự kiến tháng 8-9/2020 sẽ đóng điện 100%.

Theo ông Tiến, đây là bước đột phá mà Đảng và Chính phủ cho phép tư nhân tham gia mạng lưới truyền tải điện quốc gia. Và dù các doanh nghiệp tư nhân bước đầu chỉ tham gia vào phạm vi hẹp, nhưng Nghị quyết 55 đã giải quyết hai vấn đề lớn mà tư nhân quan tâm.

"Một là các thành phần kinh tế đều có thể tham gia vào việc phát triển và truyền tải nguồn năng lượng. Bên cạnh đó, Nghị quyết là tháo bỏ tất cả rào cản và xóa bỏ độc quyền, để tư nhân tham gia truyền tải điện", đại diện Trung Nam nói.

Ông Tiến nói: "Phát triển nguồn và truyền tải cần phải đồng bộ, làm đường dây 500 kV tư nhân chúng tôi làm chỉ 6-8 tháng, nếu là EVN làm phải 4 năm. Cái này không phải là EVN không làm được mà do họ cần nhiều quy trình, mất thời gian".

Theo ông Tiến, việc cho phép tư nhân tham gia vào phát triển nguồn năng lượng và hạ tầng truyền tải thúc đẩy thực hiện nhanh các dự án điện nói riêng và phát triển thị trường năng lượng nói chung.

Tổng Giám đốc của Công ty Trung Nam mong Chính phủ đưa ra hành lang pháp lý, cũng như điều kiện cần và đủ để tư nhân tham gia vào mảng rất lớn và đón đầu việc dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam.

Ông Tiến cho biết, hiện nay gió trên bờ và điện gió ven biển của Việt Nam chưa có đủ kinh nghiệm; vì vậy, các doanh nghiệp phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, học hỏi và tự rút ra bài học cho mình.

Ông Tiến cho hay, đối với việc xây dựng các nhà máy điện gió, thông thường phải mất 1 năm chuẩn bị, sức ép tài chính và cung cấp thiết bị là rất lớn. Tuy nhiên, giá ưu đãi hết năm 2021 đã hết rồi, ông này kiến nghị Chính phủ cho kéo dài ưu đãi giá điện 8,5 cent đối với điện gió trên bờ và 9,8 cent đối với điện gió gần bờ (điện gió ngoài khơi).

Theo lãnh đạo Trung Nam, để xây dựng 1 nhà máy điện gió trên biển mất 2,2 triệu USD/1 MW, cáp đi dưới đáy biển rất đắt, trạm điện cũng rất đắt đỏ. Chính vì vậy, quá trình đầu tư, nhà đầu tư đánh cược với rủi ro từ chính sách, đến giá và thậm chí mỗi lần họ thay đổi vòng đời tuabin là nâng công suất lên, doanh nghiệp không cập nhật sẽ không đạt hiệu quả đầu tư nhà máy.