"Cửa hàng xăng dầu đóng cửa, không bán hàng là trách nhiệm Bộ Công Thương"

Nguyễn Khánh

(Dân trí) - Việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến người dân, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng đây là thuộc trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương.

Cửa hàng xăng dầu đóng cửa, không bán hàng là trách nhiệm Bộ Công Thương - 1

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài chính - Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát quy định về thuế, phí, tính toán lại chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở để phù hợp tình hình thực tế (Ảnh: VGP).

Ngày 10/2, Văn phòng Chính phủ đã ban hành kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhạy cảm dễ ảnh hưởng tới tâm lý người dân và tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô do đó cần phải được quản lý, điều tiết khoa học, chặt chẽ.

Chính phủ ban hành các công cụ, cơ chế chính sách quản lý pháp luật và giao Bộ Công Thương thẩm quyền chủ động, điều hành, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc để một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, không bán hàng, ảnh hưởng đến người dân, Phó Thủ tướng cho rằng đây là thuộc trách nhiệm chỉ đạo điều hành của Bộ Công Thương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Công Thương cần chủ động bám sát tình hình sát sao hơn để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm không để thiếu hụt xăng dầu phục vụ sản xuất, đời sống.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho nền kinh tế. Bộ cũng cần kiểm tra, thanh tra ngay với các đơn vị cung ứng, phân phối xăng dầu, các cửa hàng đóng cửa, dừng hoạt động để xử lý hành vi găm hàng trục lợi.

Với các đơn vị sản xuất, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh chi tiết, sát thực tiễn; cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu và sản xuất trong nước.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát quy định về thuế, phí, tính toán lại chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức trong công thức tính giá cơ sở để phù hợp tình hình thực tế. Việc này nhằm đảm bảo tính đúng, đủ, hài hòa lợi ích doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, người tiêu dùng và đơn vị sử dụng xăng dầu.

Tại cuộc họp ngày 9/2 về cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguồn cung xăng dầu thế giới khan hiếm và giá cả có xu hướng tăng là tất yếu. Ở Việt Nam, nguồn cung, giá cả cũng không nằm ngoài biến động thế giới.

Tuy nhiên, nguồn cung xăng dầu Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng đứt gãy nguồn cung do Nhà máy Nghi Sơn đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho rằng có hiện tượng lợi dụng tình hình trên để găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi, gây khủng hoảng.

Trước tình trạng nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Sở Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với quản lý thị trường các tỉnh tiến hành tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp, cơ sở bán lẻ trên địa bàn và yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng.

Bộ trưởng cũng giao Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT), Cục QLTT các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng cùng cấp tiền hành kiểm tra thường xuyên, đột xuất với tần suất 1-2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm. Bộ trưởng cho rằng cần xem xét rút giấy phép kinh doanh hoặc có những điều chỉnh kịp thời, hợp lý đối với những hành vi vi phạm.

Còn Vụ Thị trường trong nước cùng Thanh tra Bộ Công Thương được giao tham mưu cho lãnh đạo Bộ thành lập Đoàn thanh tra để tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đúng với nội dung trên giấy phép và phải góp phần tích cực đảm bảo nguồn cung xăng dầu (tính cả nguồn trong nước và nhập khẩu), đáp ứng nhu cầu nền kinh tế. Trong quá trình kiểm tra, vừa thanh tra theo kế hoạch và có những cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi cả nước.