1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cửa hàng đồng loạt treo biển “không bán khẩu trang, đừng hỏi”, quản lý thị trường lên tiếng

(Dân trí) - Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo Tổng cục quản lý thị trường sẽ kiểm tra các nhà thuốc, cửa hàng cố tình không bán khẩu trang, nước sát khuẩn, thậm chí có hành động kêu gọi các cửa hàng khác cùng không bán.

Cửa hàng đồng loạt treo biển “không bán khẩu trang, đừng hỏi”, quản lý thị trường lên tiếng - 1
Một cửa hàng thuốc treo biển "không bán khẩu trang, đừng hỏi".

Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết cơ quan quản lý thị trường sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý các hành vi cố tình “găm hàng" các mặt hàng như khẩu trang, nước sát khuẩn...

"Những doanh nghiệp nào còn trong kho mà cố tình không bán, găm hàng thì sẽ xử lý. Hiện nay cơ quan quản lý thị trường, cơ quan công an phối hợp, vào cuộc. Người dân có thể gọi công an hoặc QLTT khi thấy các hành vi chặt chém", vị này cho biết.

Đáng lưu ý, đối với trường hợp kêu gọi cùng nhau không nhập, không bán khẩu trang trên Facebook cũng sẽ được cơ quan QLTT phối hợp với cơ quan công an xem xét, làm rõ.

“Hành vi chống đối, trục lợi hay kêu gọi chống đối đều sẽ bị xử lý nghiêm", lãnh đạo QLTT Hà Nội nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm với Dân trí, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường khẳng định khẩu trang không nằm trong danh sách hàng bình ổn giá hoặc Nhà nước định giá.

Tuy nhiên đối với hành động cố tình không bán, găm hàng, đầu cơ trục lợi cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Cơ quan quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh kiểm tra những trường hợp cố tình như vậy.

Chưa kể, những hành vi găm hàng hay kêu gọi cùng nhau không bán khẩu trang trong thời điểm cả nước đang căng thẳng chống dịch được ông Linh cho rằng là “trái lương tâm".

Bình luận về hành vi kêu gọi nhau không bán khẩu trang, một chuyên gia pháp chế cũng đã lên tiếng cho rằng đây là hành vi “vừa trái đạo đức, vừa vi phạm pháp luật vì đã có thỏa thuận hạn chế cạnh tranh”. Đối với hành vi này có thể bị xử lý 10% tổng doanh thu năm 2019 hoặc xử lý hình sự.

Cửa hàng đồng loạt treo biển “không bán khẩu trang, đừng hỏi”, quản lý thị trường lên tiếng - 2

“Nếu 100 nhà thuốc ra quyết định ngừng bán một cách độc lập với nhau thì không sao. Nhưng nếu có lời kêu gọi và thỏa thuận với nhau cùng ngừng bán thì vi phạm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trước đó, để bình ổn thị trường, dẹp tình trạng người dân phải xếp hàng mua khẩu trang và các thiết bị y tế khác để phòng chống dịch corona với giá “cắt cổ", lực lượng quản lý thị trường đã nhanh chóng vào cuộc, xử lý hơn 1.200 cơ sở tự ý tăng giá khẩu trang y tế, bán hàng không niêm yết giá theo quy định. Tại Hà Nội, nhiều quầy thuốc tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc Hapulico (quận Thanh Xuân) đã bị phát hiện vi phạm.

Điều đáng nói, chỉ vài ngày sau khi bị cơ quan chức năng kiểm tra, tại chợ thuốc Hapulico, rất nhiều quầy thuốc lập tức treo biển "không bán khẩu trang, nước rửa tay, đừng hỏi".

Cửa hàng đồng loạt treo biển “không bán khẩu trang, đừng hỏi”, quản lý thị trường lên tiếng - 3
Hình minh hoạ.

Thậm chí, trên mạng xã hội còn tranh luận nảy lửa về dòng trạng thái kêu gọi các nhà thuốc "đoàn kết, không nhập khẩu trang và bán khẩu trang" của một nhóm kinh doanh được cho từ chợ thuốc Hapulico.

Trong một diễn biến có liên quan khác, ngày 3/2, Tổng cục QLTT đã thành lập Tổ thường trực phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra.

Tổ thường trực có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước, bao gồm: công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý và đặc biệt là trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá hàng hóa do dịch bệnh của vi rút corona.

Tổ thường trực có nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch trên phạm vi cả nước, bao gồm: công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý và đặc biệt là trang thiết bị y tế dùng để bảo vệ sức khỏe phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá hàng hóa do dịch bệnh của vi rút corona.

Chỉ đạo lực lượng QLTT phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp ổn định thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân trong thời gian dịch bệnh.

Nguyễn Mạnh