Cú quay xe của cổ phiếu chuỗi resort "sang chảnh" bậc nhất Việt Nam

Mai Chi

(Dân trí) - Cổ phiếu NVT suýt đã có chuỗi 7 phiên tăng trần liên tiếp, tuy nhiên, cú quay xe phiên hôm nay đã khiến những nhà đầu tư mua đuổi giá trần lập tức thua lỗ gần 14%.

Trong phiên 25/6, sự giằng co trong tâm lý của giới đầu tư khiến các chỉ số trên thị trường đồng loạt rung lắc mạnh. VN-Index dao động quanh ngưỡng tham chiếu, đóng cửa vẫn đạt được mức hồi phục nhẹ 2,44 điểm tương ứng 0,2% lên 1.256,56 điểm. HNX-Index tăng 0,45 điểm tương ứng 0,19% còn UPCoM-Index điều chỉnh 0,23 điểm tương ứng 0,23%.

Thanh khoản đạt 835,3 triệu cổ phiếu tương ứng 21.546,14 tỷ đồng trên HoSE; 45,95 triệu cổ phiếu tương ứng 878,52 tỷ đồng trên HNX và 53,5 triệu cổ phiếu tương ứng 1.020,88 tỷ đồng trên UPCoM.

Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về phía các mã tăng giá, với 460 mã tăng, 31 mã tăng trần so với 413 mã giảm, 23 mã giảm sàn.

Phiên này, cổ phiếu VRE trở thành tâm điểm khi tăng trần và đóng góp đáng kể nhất đến VN-Index. VRE đóng cửa tại 21.300 đồng, khớp lệnh cao đột biến lên 25,5 triệu đơn vị, dư mua giá trần, trắng bên bán.

Mặc dù có 14 mã tăng, 9 mã giảm nhưng VN30-Index vẫn điều chỉnh 1,05 điểm tương ứng 0,08%. Theo đó, SSB giảm mạnh 6,4% còn 21.150 đồng, BID giảm 1,8%; CTG, ACB, MBB giảm giá. Tác động của BID và SSB lên VN-Index lần lượt là 1,15 điểm và 0,91 điểm.

Toàn sàn HoSE chỉ có 2 mã cổ phiếu giảm sàn là SGT và NVT. Đáng chú ý, NVT có 30 phút đầu phiên được giao dịch giá trần, khối lượng giao dịch ở mức giá này là 46.100 cổ phiếu. Tuy nhiên, ngay sau đó, mã này quay đầu điều chỉnh, đóng cửa tại mức giá sàn, khối lượng giao dịch ở mức giá sàn là  30.400 cổ phiếu.

Do giá cổ phiếu dao động kịch biên độ (trần - sàn), như vậy, những người mua đuổi cổ phiếu NVT ở mức giá trần vào đầu phiên sẽ lập tức thua lỗ gần 14% ngay trong phiên.

Cú quay xe của cổ phiếu chuỗi resort sang chảnh bậc nhất Việt Nam - 1

Diễn biến giao dịch cổ phiếu NVT trong phiên 25/6 (Nguồn: VDSC).

Trước đó, NVT có chuỗi tăng giá ấn tượng, tăng trần liên tục từ phiên 17/6 cho đến đầu phiên sáng nay. Ngày 21/6, HoSE có văn bản yêu cầu Ninh Vân Bay giải trình về việc cổ phiếu có 5 phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 17 đến ngày 21/6.

Cơ quan quản lý cho biết, qua công tác giám sát, HoSE nhận thấy giá cổ phiếu NVT tăng trần 5 phiên liên tiếp, yêu cầu Ninh Vân Bay báo cáo, công bố các thông tin liên quan có ảnh hưởng đến biến động giá cổ phiếu, trong thời hạn 24h kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần 5 phiên liên tiếp.

Tuy nhiên, trong văn bản giải trình, phía Ninh Vân Bay khẳng định, giá cổ phiếu tăng là do diễn biến khách quan và cung cầu của thị trường. Hiện tại các hoạt động kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường. Công ty nhấn mạnh, không có bất cứ tác động nào gây ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu trên thị trường và luôn tuân thủ các quy định của pháp luật áp dụng đối với công ty đại chúng.

NVT là cổ phiếu của Công ty cổ phần Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay, thương hiệu gắn với các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Định hướng của doanh nghiệp này là "trở thành nhà phát triển bất động sản cao cấp (ultra luxury) và tốt nhất Việt Nam". Tên tuổi của công ty gắn với một số dự án như Six Senses Ninh Vân Bay, Emralda Ninh Bình, Lạc Việt New Tourist City, Six Senses Sai Gon River.

Hồi tháng 4 vừa qua, HoSE thông báo chuyển NVT từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2023 là số dương, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là số âm (theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023).

Công ty cũng có sự thay đổi lớn về mặt nhân sự. Trong đó, miễn nhiệm bà Đặng Thị Ngọc Hân (Hoa hậu Ngọc Hân) khỏi chức vụ Phó Tổng giám đốc từ ngày 17/5 vì lý do cá nhân.

Tính đến đầu phiên sáng nay, cổ phiếu NVT đã tăng giá xấp xỉ 59% kể từ phiên 17/6. Tuy vậy, chuỗi tăng trần liên tục của mã này đã bị ngắt quãng.

Trở lại với thị trường chung, cổ phiếu bất động sản tiếp tục có tình trạng phân hóa. Phía tăng trần có VRE, LEC, các mã khác hồi phục mạnh: AGG tăng 4,9%; HDC tăng 4,8%; NBB tăng 4%; HDG tăng 2,9%. Ngược lại, ngoài NVT giảm sàn thì VPH giảm 4,1%; VRC giảm 3,8%; CCL giảm 3%; ITC giảm 2,5%.

Nhiều cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính phục hồi. APG tăng trần; VCI tăng 2,6%; EVF, AGR, FTS, HCM, BSI đồng loạt tăng giá. Phần lớn cổ phiếu ngân hàng tăng: OCB, HDB, SHB, TPB, VPB, MSB đều hồi phục.