Cú đảo chiều bất ngờ và sự “xuất thần” của cổ phiếu nhà Cường đôla

(Dân trí) - Diễn biến tại QCG khá bất ngờ khi mã này mới đây vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) đưa vào danh sách những mã cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ. Nguyên nhân mã này vẫn thuộc diện cảnh báo do vi phạm quy định về công bố thông tin.

Cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai vừa trải qua một phiên giao dịch rất thành công. Mặc dù mở cửa không mấy thuận lợi và giảm điểm đầu phiên nhưng sau đó, lực cầu gia tăng đã đẩy giá QCG tăng trần lên 4.760 đồng/cổ phiếu trong ngày 9/10.

Đây là phiên tăng trần hiếm có của mã cổ phiếu này trong thời gian gần đây. Thanh khoản tuy không nổi trội so với thị trường song đã có sự bứt phá đáng kể so với trước, đạt hơn 626 nghìn đơn vị trong khi khối lượng giao dịch bình quân trong vòng 3 tháng qua của mã này chỉ là 177 nghìn cổ phiếu/phiên.

Tại thời điểm chốt phiên hôm qua, QCG vẫn có dư mua giá trần hơn 100 nghìn đơn vị và không hề còn dư bán, mọi lệnh bán đều được bên mua “quét sạch sẽ”.

Cú đảo chiều bất ngờ và sự “xuất thần” của cổ phiếu nhà Cường đôla - 1

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai ngược chiều thị trường phiên 9/10

Diễn biến tại QCG khá bất ngờ khi mã này mới đây vừa bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) đưa vào danh sách những mã cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ, nguyên nhân mã này vẫn thuộc diện cảnh báo do vi phạm quy định về công bố thông tin.

Còn về tình hình sản xuất kinh doanh, tuy đã có nhiều nỗ lực vào quý II song Quốc Cường Gia Lai vẫn gặp khó với lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay giảm còn 36,9 tỷ đồng so với con số 43,2 tỷ đồng của cùng kỳ 2018.

Trong khi QCG vừa có một phiên giao dịch “xuất thần” thì diễn biến thị trường chung lại đi xuống. Áp lực bán mạnh cuối phiên đã đẩy VN-Index vào trạng thái giảm 0,39 điểm tương ứng mất 0,04% còn 987,83 điểm. HNX-Index ngược lại tăng 0,7 điểm tương ứng 0,68% lên 104,62 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã giảm. Có tổng cộng 303 mã giảm giá, 28 mã giảm sàn so với 283 mã tăng và 31 mã tăng trần trong phiên hôm qua.

Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn tiếp tục diễn biến phân hoá. Trong rổ VN30 có 12 mã tăng và 15 mã giảm và theo đó chỉ số VN30 chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ 0,73 điểm tương ứng 0,08% còn 914,54 điểm.

Nếu như HVN, CTG, VRE, GAS tăng giá thì ngược lại, VNM, VCB, SAB, PLX, BVH, VHM lại giảm và tác động tiêu cực đến VN-Index. Mã có ảnh hưởng lớn nhất đến chỉ số sàn HSX là VNM với tác động khiến chỉ số giảm 1,02 điểm.

Trên HNX, chỉ số sàn này sở dĩ tăng điểm một phần lớn nhờ lực kéo của “đầu tàu” ACB. Mã này đóng góp tới 0,65 điểm cho HNX-Index trong tổng mức tăng 0,7 điểm của chỉ số.

Mặc dù chỉ số chính VN-Index không giữ vững được sắc xanh đến phút cuối, tuy nhiên, theo VDSC, xu hướng của thị trường đang dần cải thiện và có dấu hiệu tích cực nhẹ. Do đó, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể giải ngân với mức độ thấp vào các mã cổ phiếu vốn hoá lớn như dòng ngân hàng.

Trong khi đó, BVSC lại đánh giá, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có biến động giằng co đi ngang với các nhịp tăng giảm đan xen trong vùng 982-993 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Thị trường sẽ bắt đầu có sự phân hóa mạnh theo thông tin kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp.

Về xu hướng chung của chỉ số trong giai đoạn này, nhóm phân tích vẫn duy trì quan điểm cho rằng thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy trước khi phát đi những tín hiệu rõ nét hơn về mặt xu hướng kế tiếp trong thời gian tới.

Áp lực bán ròng của khối ngoại đã giảm bớt tuy nhiên biến động tiêu cực của thị trường thế giới vẫn sẽ tạo ra biến động không tốt cho thị trường trong ngắn hạn.

Các ngành dự kiến có kết quả lợi nhuận khả quan trong quý 3 theo dự báo của BVSC gồm có ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, điện, cao su tự nhiên, cao su săm lốp… Cổ phiếu của các nhóm ngành này điều chỉnh vẫn được xem là cơ hội để mua vào cho các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao.

Mai Chi