Cú “bắt đáy” kinh điển của thiếu gia nhà bầu Hiển: Lãi gấp 3 với SHB
(Dân trí) - Con trai thứ hai của bầu Hiển sinh năm 1995, là Chủ tịch CLB trẻ nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, mới đây đã có cú “bắt đáy” kinh điển với cổ phiếu SHB.
SHB tăng giá gấp 3 trong 3 tháng
Trên sàn Hà Nội phiên 13/4, các ông lớn như SHB, ACB và SHS vẫn chi phối chỉ số. SHS tăng trần lên 9.000 đồng và đóng góp khoảng 0,11 điểm trong mức tăng chung. Trong khi đó, ảnh hưởng của ACB là 0,3 điểm và SHB tới 0,46 điểm.
SHB hôm qua tăng thêm 1,71% và tăng giá hơn 200% trong vòng 3 tháng đầu năm. Cổ phiếu SHB bắt đầu “bốc đầu” tăng mạnh sau thông tin con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch SHB là Đỗ Vinh Quang đăng ký mua vào cổ phiếu SHB.
Trong khoảng thời gian từ ngày 15/1 đến 13/2, vị thiếu gia này mua thành công 35,9 triệu cổ phiếu SHB theo phương thức khớp lệnh trên sàn và từ đó lần đầu trở thành cổ đông của ngân hàng này.
Ông Đỗ Vinh Quang sinh năm 1995, vừa được bổ nhiệm làm Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội (Hà Nội FC) và trở thành Chủ tịch CLB trẻ nhất trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam.
SHB vốn là cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhưng về giá thường ổn định và duy trì dưới mức mệnh giá nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự vào cuộc của thiếu gia nhà bầu Hiển đã “đổi vận” cho mã cổ phiếu này.
SHB được chấp thuận chào bán 552,2 triệu cổ phiếu tương đương hơn 5.522 tỷ đồng theo mệnh giá, bao gồm 251,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức và phát hành 300,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Ngày vị thiếu gia này hoàn tất giao dịch cũng là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20,9% và chào bán ưu đãi tỷ lệ 4:1 với giá bằng mệnh giá.
Sau khi diễn biến giá cổ phiếu tăng sốc, ông Đỗ Vinh Quang không những lãi đậm (lãi gấp 3, khoảng 500 triệu đồng) với SHB mà còn có quyền mua 9 triệu cổ phiếu phát hành mới với giá 90 tỷ đồng (tạm lãi 70 tỷ đồng).
Cổ phiếu hàng không đồng loạt tăng giá
Thị trường chứng khoán khép lại phiên giao dịch đầu tuần với trạng thái tăng tích cực trên cả ba sàn. VN-Index tăng 7,85 điểm tương ứng 1,04% lên 765,79 điểm; HNX-Index tăng 0,98 điểm tương ứng 0,92% lên 107,16 điểm và UPCoM-Index tăng 0,23 điểm tương ứng 0,45% lên 50,86 điểm.
Thanh khoản đạt 235,28 triệu cổ phiếu tương ứng 4.276,88 tỷ đồng trên HSX và 35,84 triệu cổ phiếu tương ứng 382,23 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 13,67 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 137,78 tỷ đồng.
Sắc xanh vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong bức tranh chung của thị trường với tổng cộng 422 mã tăng giá, 83 mã tăng trần so với 245 mã giảm và 35 mã giảm sàn.
Ngoài VJC thì hôm qua, cổ phiếu họ Vingroup tiếp tục có đóng góp đáng kể cho VN-Index. Trong đó, VRE tăng trần lên 25.450 đồng đã đóng góp gần 1,1 điểm cho VN-Index. VIC cũng tăng lên 96.000 đồng và đóng góp 0,96 điểm cho chỉ số chung.
Cổ phiếu hàng không vẫn giữ được đà tăng. VJC tăng 6.600 đồng lên 115.700 đồng/cổ phiếu; ACV tăng 2.100 đồng lên 54.400 đồng và HVN tăng trần 1.500 đồng lên 23.550 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sân bay như SAS của Sasco cũng tăng 1.400 đồng lên 26.300 đồng, MAS tăng 1.200 đồng lên 32.000 đồng.
Tuy nhiên, hôm qua, một số mã lớn vẫn quay đầu giảm như MSN giảm 2.100 đồng xuống còn 58.100 đồng; VNM giảm 500 đồng còn 99.100 đồng. Tuy nhiên, thiệt hại từ những mã này lên chỉ số chính không quá lớn và do vậy, chỉ số vẫn đạt được biên độ tăng khá tốt.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), VN-Index dự báo sẽ gặp áp lực rung lắc mạnh và có thể điều chỉnh giảm khi tiếp cận vùng kháng cự 780 ± 5 điểm trong một vài phiên kế tiếp.
Điểm tiêu cực hiện tại vẫn đến từ hoạt động bán ròng mạnh và kéo dài của khối ngoại. Ngoài ra, rủi ro đối với diễn biến thị trường trong thời gian tới còn đến từ các thông tin về kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp và các số liệu vĩ mô sẽ bắt đầu được công bố trong tháng 04.
BVSC lo ngại, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 có thể khiến cho lợi nhuận quý I và đặc biệt là quý 2 của các doanh nghiệp niêm yết không đạt như kỳ vọng.
Theo đó, các chuyên gia phân tích ở đây vẫn cho rằng nên giảm tỷ trọng danh mục ở mức 15-20% cổ phiếu, ưu tiên nắm giữ các vị thế trung - dài hạn.
Đối với các nhà đầu tư đã thực hiện bán chốt lời một phần vị thế tại vùng trên 750 điểm, có thể xem xét chốt lời các vị thế ngắn hạn còn lại trong danh mục tại vùng 770-800 điểm. Các hoạt động mua lại các vị thế đã bán hoặc mở các vị thế mua mới chỉ xem xét thực hiện khi thị trường điều chỉnh về vùng 700-720 điểm.
Mai Chi